Những công trình vệ sinh tạm tại Mường Nhé
Quá tải, xuống cấp, hư hỏng... là tình trạng chung của nhiều nhà vệ sinh trường học vùng cao, trong đó có huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Tại điểm trường Nậm Mì 1 (Trung tâm), thuộc trường Tiểu học Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, hơn 300 em học sinh và gần 20 giáo viên sử dụng chung một nhà vệ sinh quây tạm bằng tôn. Hệ thống xử lý chất thải, thoát nước còn chưa được xử lý.
Tại điểm trường Huổi Pinh, thuộc trường Tiểu học Mường Toong 1, nhà vệ sinh từng có nhưng qua thời gian, nay đã xuống cấp và hư hỏng trầm trọng, gần như không sử dụng được.
Nhà vệ sinh tại điểm trường Nậm Mì 1 cho hơn 300 học sinh.
Nhà vệ sinh tại điểm trường Huổi Thanh 1 hiện phục vụ 30 học sinh và 2 giáo viên.
Thậm chí, một số điểm trường ở Mường Nhé như bản Huổi Lúm, Huổi Ban, Huổi Lếch, Huổi Pết… không có nhà vệ sinh, giáo viên và học sinh phải đi nhờ. Hoặc tại điểm trường Xi Ma 1-2, Chuyên Gia 1-2, nhà vệ sinh chỉ đơn giản được quây bằng bạt, ván gỗ sơ sài, gây bất tiện và không đảm bảo vệ sinh cho cả giáo viên và học sinh.
Vệ sinh trường học - nỗi ám ảnh của học sinh khi đến trường
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019 - 2020 còn hơn 30% nhà vệ sinh trường học chưa đạt chuẩn trên cả nước. Báo cáo của UNICEF tại Việt Nam chỉ ra rằng, việc thiếu khả năng tiếp cận với nước sạch và vệ sinh môi trường, cùng với các thực hành vệ sinh kém góp phần làm tăng cao tỷ lệ tiêu chảy, viêm phổi và nhiễm ký sinh trùng.
Hiện nay, Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu năm 2025, 100% trường học có nhà vệ sinh, trong đó 50% trường học có đủ nhà vệ sinh cho học sinh theo quy định và 80% nhà vệ sinh bảo đảm điều kiện hợp vệ sinh.
Với việc ra đời dự án "Vệ sinh học đường", Quỹ Hy Vọng đặt mục tiêu xây dựng 100 nhà vệ sinh mới trong năm 2022 - 2023, giúp trẻ em nâng cao hiểu biết về vệ sinh học đường, từ đó biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân, tạo nền tảng cho một thế hệ khoẻ mạnh.
Học sinh tại trường Huổi Thanh 1, Trường Tiểu học Nậm Kè phải ngồi ghép lớp.
Bà Trương Thanh Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hy Vọng cho biết đây là dự án mà quỹ đã ấp ủ từ lâu, sẽ không chỉ thực hiện tại Sơn La, Điện Biên mà dự kiến còn được triển khai tại một số tỉnh vùng núi phía Bắc trong thời gian tới.
"Nhiều em đã tâm sự rằng không dám đi vệ sinh ở trường vì quá dơ, quá bất tiện. Điều đó thôi thúc Quỹ ngoài xây trường cho các em, còn hướng đến cải tạo thêm hệ thống nhà vệ sinh, để các em có điều kiện học hành tốt hơn. Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, ủng hộ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để cuộc sống của trẻ em Việt Nam càng ngày càng tốt đẹp hơn", bà Thanh Thanh chia sẻ.
Công trình vệ sinh xây mới ở huyện Vân Hồ nhằm tạo môi trường an toàn, đảm bảo hơn cho học sinh khi đến trường.
Riêng trong năm học 2022 - 2023, Quỹ Hy Vọng đặt mục tiêu xây dựng 30 nhà vệ sinh mới cho các em học sinh huyện Mường Nhé, Điện Biên, nhằm xóa bỏ nỗi ám ảnh của học sinh khi đi vệ sinh tại trường học. Quỹ Hy Vọng dự kiến tổng kinh phí dự án khoảng 3.7 tỷ đồng.
Sau thành công của đợt gây quỹ lần thứ nhất, lần thứ 2 chúng tôi dự kiến tiếp tục xây 15 nhà vệ sinh với kinh phí dự án khoảng 1.85 tỷ đồng. Để làm được điều này, Quỹ Hy Vọng mong muốn nhận được sự chung tay của cộng đồng Heo Đất MoMo quyên góp 3.000.000 Heo Vàng. Số Heo Vàng này sẽ được nhà tài trợ quy đổi thành 600.000.000 đồng. Ngoài ra còn có 150.000.000 đồng được quy đổi từ các nhà hảo tâm của cộng đồng Trái Tim MoMo.
Chúng tôi hy vọng đợt gây quỹ lần 2 sẽ tiếp tục thành công để giúp cho học sinh tại các điểm trường có được nhà vệ sinh mới, để các em an tâm học tập.
Trước đó, Quỹ Hy Vọng cũng hoàn thiện 20 nhà vệ sinh tại huyện Vân Hồ, Sơn La, mang đến điều kiện học tập tốt hơn cho 4.000 học sinh và giáo viên tại đây.
Về Quỹ Hy Vọng:
Hope Foundation là quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không vì lợi nhuận, do VnExpress và Công ty Cổ phần FPT vận hành. Quỹ Hy vọng theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Quỹ Hy Vọng cho rằng để tạo ra một xã hội phát triển thì trước hết cần có nhiều sự kết nối để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Và thúc đẩy các dự án phát triển trong đó mọi người được khuyến khích giải phóng tiềm năng của họ và trang bị cho mình các công cụ, cũng sẽ xóa đói giảm nghèo và tạo ra sự bình đẳng.