Bản Pục thuộc xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La với 100 hộ với 457 nhân khẩu đồng bào người Thái cùng sinh sống. Cuộc sống của người dân nơi đây vô cùng khó khăn, khi mà nguồn kinh tế chính hoàn toàn phụ thuộc vào nương rẫy, vì vậy đời sống vật chất còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Mặt khác, nơi đây bao quanh bởi đồi núi hiểm trở, kinh tế nghèo nàn, nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế nên trẻ em ở đây hầu như không được chú trọng học hành và có tỷ lệ học sinh bỏ học rất cao.
Điểm trường bản Pục đang được xây dựng trong nhà văn hóa của bản
Điểm trường bản Pục cách Trường Mầm non Hoa Hồng Chiềng Khương khoảng 4km, và đang là nơi theo học của lớp mẫu giáo gộp 3 độ tuổi với 25 em học sinh. Điểm trường được dựng bằng tôn vào năm 2014 với 1 phòng học có diện tích khoảng 42m2. Sau gần một thập kỷ sử dụng, lớp học đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngày hè, giữa cái nắng oi bức của vùng cao, các em nhỏ vẫn phải chịu đựng để hoàn thành mỗi buổi học. Vào mùa đông, khi gió mùa về và sương muối xuống, các em nhỏ cũng phải gồng mình trong tiết trời giá lạnh để kiên trì theo đuổi con chữ. Không chỉ vậy, điểm trường hiện cũng chưa có điện nước để sử dụng mà đang được nhà dân hỗ trợ.
Điểm trường bản Pục được dựng bằng tôn vào năm 2014 và đã trải qua gần 10 năm sử dụng
Đời sống khó khăn, cơ sở vật chất của điểm trường lại chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu dạy và học, vì vậy cứ vào đầu mỗi kỳ học mới, giáo viên ở đây lại phải thường xuyên đến gõ cửa từng nhà vận động phụ huynh và các con tiếp tục đến trường. Mặc dù khó khăn như vậy nhưng thầy trò vẫn cố gắng từng ngày để vượt qua và nỗ lực mang tình yêu thương gieo chữ trên những bản nghèo. Nhờ vậy mà giờ đây nơi điểm trường bản Pục, lớp học chưa ngày nào im ắng tiếng trẻ nói cười.
Cơ sở vật chất khó khăn là vậy nhưng thầy trò vẫn cố gắng từng ngày để kiên trì bám trường
Có lẽ phải phải trực tiếp đến tận nơi thì mới có thể tận mắt chứng kiến cảnh núi rừng hùng vĩ, vách núi đá hiểm trở, đối lập với mái trường nhỏ bé đầy thiếu thốn của thầy và trò điểm trường bản Pục. Nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ với đôi chân trần đi trên con đường đá bám đầy rêu trơn trượt, quần áo lấm lem bùn đất, chúng ta mới thấu hiểu được nỗi khó khăn, nhọc nhằn trên con đường đến trường của các em học sinh nơi đây.
Với mong muốn giúp cho thầy và trò điểm trường bản Pục được ngồi học trong lớp học khang trang và kiên cố, Siêu ứng dụng MoMo phối hợp cùng Trung tâm Tình nguyện Quốc gia và Dự án Sức Mạnh 2000 lên kế hoạch xây dựng 01 phòng học kiên cố có nhà vệ sinh khép kín với diện tích khoảng 42m2 và kèm theo các thiết bị như: Bàn ghế, tủ học liệu, đồ dùng đồ chơi,… Để dự án được thực hiện, chúng tôi rất cần sự chung tay của Cộng đồng Heo Đất quyên góp 360.000 Heo Vàng. Số Heo Vàng sẽ được các nhà tài trợ quy đổi tương ứng với số tiền là 90.000.000đ.
Chung tay góp Heo Vàng mang đến lớp học kiên cố và khang trang cho các em nhỏ điểm trường bản Pục
Mỗi sự ủng hộ của các bạn đều góp phần không nhỏ giúp các em đến gần hơn với ước mơ trường mới. Hãy chung tay quyên góp cùng Heo Đất MoMo để cổ vũ các “mầm non” của bản Pục đến trường.
Về Trung tâm Tình nguyện Quốc gia:
Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (VVC) do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập, là tổ chức cấp Quốc gia nhằm mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ và điều phối hoạt động tình nguyện vì sự phát triển ở Việt Nam. VVC Cung cấp đầy đủ thông tin về mọi hoạt động tình nguyện, tập huấn, hội thảo, hội nghị, diễn đàn thanh niên về các vấn đề xã hội trong nước và quốc tế. Là cầu nối giữa những tổ chức xã hội và những người đam mê tình nguyện.
Về dự án Sức mạnh 2000 - Ánh Sáng Núi Rừng:
Là một dự án gây quỹ xây trường được khởi xướng và điều hành bởi anh Hoàng Hoa Trung - Forbes 30 Under 30 2020, Gương mặt trẻ Việt Nam Tiêu biểu 2019. Tính tới tháng 2/2021, dự án đã xây dựng thành công gần 130 điểm trường, nhà nội trú, nhà hạnh phúc, cầu dân sinh ở các tỉnh vùng cao, giúp hơn 7000 trẻ em được đến trường. Tìm hiểu về dự án thêm tại: http://sucmanh2000.com
Về Dự án Nuôi Em:
Xuất phát điểm từ việc xây trường mà trẻ vẫn bỏ học vì thiếu ăn nên dự án đã tiến hành Nuôi Cơm vùng cao, cụ thể, mỗi bữa cơm là 8500đ và dự án lo việc nấu đồ ăn (thông qua thầy cô) cơm thì bố mẹ các cháu nấu cho các cháu đem đi (một số địa phương đặc thù thì thầy cô giáo nấu cơm ). Dự án này thực hiện từ 2014, tuy nhiên bùng nổ vào mùa 2018-2019 khi đưa ra mô hình MỘT NGƯỜI - NUÔI MỘT CHÁU mỗi tháng 150,000, mỗi năm 1,350,000 đặc thù là tính Cá Nhân Hóa (Mỗi người nuôi đều biết mặt mũi, thông tin, sđt bố mẹ thầy cô già làng trưởng bản, hiệu trưởng, Phòng giáo dục và Được lên thăm các cháu 3 lần/năm) + Tính lan tỏa + Tính bền vững. Tìm hiểu thêm tại http://nuoiem.com