Xã Chiềng Công có 17 bản nằm cách trung tâm huyện 35km, đường giao thông chỉ đi được một mùa. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn chiếm tới 58,6%, thu nhập bình quân mới đạt 8 triệu đồng/người/năm.
Điểm trường Tảo Ván thuộc trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chiềng Công là nơi theo học của 31 em học sinh
Để đến được trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Chiềng Công thuộc xã Chiềng Công, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, phải đi phà qua dòng sông Đà hùng vĩ, vượt con đường dốc ngược, lởm chởm đá tai mèo chừng 10 km từ trung tâm huyện Mường La. Nhìn một bên núi, một bên là vực thẳm, đường đi khúc khuỷu, cheo leo mới thấu hiểu sự vất vả mà các thầy cô phải trải qua để “cõng chữ lên non”. Trường có tổng diện tích khuôn viên là 18.525m2 với 14 điểm trường và 13 điểm trường lẻ. Điểm trường trung tâm được chia thành 35 lớp học với 840 em học sinh. Các điểm trường lẻ đều cách xa khu trung tâm, đường đi lại vô cùng khó khăn. Để đến được những điểm trường này, các thầy cô chỉ còn cách là băng qua những con đường mòn trơ đầy sỏi đá, xuyên qua rừng. Khi trời nắng còn đỡ vất vả chứ khi trời mưa gió, đường trơn trượt nên các thầy cô thường xuyên phải đối diện với sự nguy hiểm rình rập.
Cơ sở vật chất của điểm trường còn tồn đọng nhiều khó khăn chưa thể giải quyết
Từ trung tâm xã Chiềng Công sau hơn 40 phút di chuyển bằng xe máy, mới đến bản Tảo Ván. Bản hiện có 57 hộ dân với 279 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Người dân ở bản chủ yếu trồng ngô, sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập thấp, tỉ lệ hộ nghèo chiếm tới 31%. Dân cư ở những nơi này chủ yếu là đồng bào dân tộc, chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc học nên để trẻ có thể đến lớp, ngoài các giờ dạy, các thầy cô phải đến tận nhà để động viên phụ huynh các em.
Nhiều khu vực của điểm trường đã xuống cấp nghiêm trọng
Điểm trường Bản Tảo Ván là 01 trong 14 điểm thuộc Trường PTDTBT TH Chiềng Công, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Điểm trường Bản Tảo Ván có từ năm 1980, hiện có 31 học sinh với tỉ lệ học sinh nghèo của điểm trường là 33%. 2 phòng học của trường đã được đưa vào sử dụng từ năm 2014. Đến nay qua thời gian 10 năm sử dụng và dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng cao, phòng học hiện tại đã xuống cấp vô cùng nghiêm trọng. Nhiều tấm kính trên các cánh cửa ra vào đã vỡ vô cùng nguy hiểm cho cả thầy và trò mỗi ngày lên lớp. Thầy cô phải dùng các thanh gỗ che chắn tạm, nhưng nguy cơ vẫn còn đó. Phần sàn của lớp học được lát xi măng, nhưng nhiều chỗ hư hỏng, bị bong tróc nặng nề nên bàn ghế trong phòng học rất bấp bênh gây nhiều khó khăn cho các em nhỏ.
Các cánh cửa kính của lớp học đã vỡ, vô cùng nguy hiểm cho cả thầy và trò mỗi ngày lên lớp
Do điều kiện kinh tế địa phương nhiều khó khăn, nên việc vận động bà con góp kinh phí để xây dựng và sửa chữa phòng học dường như là điều không thể. Bởi với bà con dân bản, lo cơm ăn áo mặc cho đủ đầy cũng chỉ là ước mong có lẽ không bao giờ trở thành hiện thực, rất khó để các phụ huynh nghĩ đến việc chăm lo cho đời sống giáo dục của các em học sinh.
Nhằm tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh của điểm trường Bản Tảo Ván có đủ cơ sở vật chất để phục vụ học tập và giảng dạy, góp phần thực hiện tiêu chí giáo dục trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương; Trung tâm Tình nguyện Quốc gia kết hợp cùng Dự án Sức Mạnh 2000 kêu gọi Cộng đồng Heo Đất MoMo cùng chung tay quyên góp 625.000 Heo Vàng. Số Heo Vàng sẽ được nhà tài trợ Le Dzip quy đổi tương ứng với 100.000.000 đồng.
Góp Heo Vàng xây mới phòng học an toàn và kiên cố giúp các em học sinh an tâm tới trường
Tổng kinh phí dự kiến của dự án là 280 triệu đồng đồng, vì vậy chúng tôi còn có 180 triệu đồng được gây quỹ từ các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trên khắp cả nước, đặc biệt là từ Cộng đồng người dùng Siêu ứng dụng MoMo. Số tiền này sẽ sử dụng để xây dựng 2 phòng học; 1 phòng công vụ cho Giáo viên; 1 nhà vệ sinh với 3 phòng, trong đó 1 phòng cho Giáo viên, 1 phòng cho học sinh Nam, 1 phòng cho học sinh Nữ; và sân bê tông có diện tích 180m2, bể nước 5m3 tại bản Tảo Ván, xã Chiềng Công, huyện Mường La, tỉnh Sơn La.
Chúng tôi tin rằng, đây là những hành động thực tiễn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhằm hỗ trợ trẻ em nơi vùng núi Sơn La còn nhiều khó khăn, giúp cho các em có điều kiện sinh hoạt, học tập, rèn luyện, vui chơi và là động lực để các em phấn đấu trở thành con ngoan, trò giỏi, chủ nhân tương lai của đất nước.
Về Trung tâm Tình nguyện Quốc gia:
Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (VVC) do TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành lập, là tổ chức cấp Quốc gia nhằm mục tiêu thúc đẩy, hỗ trợ và điều phối hoạt động tình nguyện vì sự phát triển ở Việt Nam. VVC Cung cấp đầy đủ thông tin về mọi hoạt động tình nguyện, tập huấn, hội thảo, hội nghị, diễn đàn thanh niên về các vấn đề xã hội trong nước và quốc tế. Là cầu nối giữa những tổ chức xã hội và những người đam mê tình nguyện.
Về dự án Sức mạnh 2000:
Là một dự án gây quỹ xây trường được khởi xướng và điều hành bởi anh Hoàng Hoa Trung - Forbes 30 Under 30 2020, Gương mặt trẻ Việt Nam Tiêu biểu 2019. Tính tới tháng 2/2021, dự án đã xây dựng thành công gần 130 điểm trường, nhà nội trú, nhà hạnh phúc, cầu dân sinh ở các tỉnh vùng cao, giúp hơn 7000 trẻ em được đến trường. Tìm hiểu về dự án thêm tại: http://sucmanh2000.com