Hầu hết trẻ khuyết tật trí tuệ mức độ nặng hiện đang học tại trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập và các trường chuyên biệt. Các em đều không có cơ hội được thủy trị liệu thông qua hoạt động chơi do thiếu thốn các sân chơi; hoặc phụ huynh học sinh không tự tin khi đưa trẻ khuyết tật đến vui chơi cùng những trẻ không khuyết tật. Trong khi đó, việc cho trẻ khuyết tật chơi với nước trong một sân chơi thủy trị liệu sẽ mang lại nhiều hiệu quả tốt cho trẻ:
1. Tăng cường sự tập trung, hỗ trợ cải thiện cảm xúc và tâm lý
2. Tăng cường sự phát triển về mặt cảm xúc xã hội
3. Rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề và giúp trẻ có nhận thức về khoa học một cách đơn giản tốt hơn
4. Phát triển kỹ năng ngôn ngữ
5. Phát triển kỹ năng vận động và cải thiện sức khỏe thể chất của trẻ
Các em nhỏ khuyết tật không có cơ hội được thủy trị liệu do thiếu thốn các sân chơi
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập quận Tân Bình (Trung tâm) có 140 trẻ khuyết tật trí tuệ với các loại như: tự kỷ, hội chứng Down, ADHD,… nhưng lại chưa có không gian chơi dành cho các bạn nhỏ. Vì vậy Siêu ứng dụng MoMo kết hợp cùng Think Playgrounds, Trung tâm và các chuyên gia trong lĩnh vực trẻ khuyết tật thiết kế mô hình sân chơi thủy trị liệu đa năng nhằm cải thiện tình trạng tâm lý, phát triển nhận thức và kĩ năng cho học sinh. Ngoài sân chơi, các giáo viên tại Trung tâm còn có thêm các hoạt động thuỷ trị liệu cùng học sinh trong khi chơi. Mô hình sẽ được giới thiệu đến các trung tâm khác tại Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước thông qua, sổ tay về sân chơi cho trẻ khuyết tật và hội thảo chia sẻ thiết kế sân chơi cho trẻ khuyết tật nhằm lan tỏa các thiết kế sân chơi phù hợp và có thể được sử dụng bởi trẻ khuyết tật.
Mô hình sân chơi thủy trị liệu đa năng nhằm cải thiện tình trạng tâm lý, phát triển nhận thức và kĩ năng cho học sinh
Để làm được điều đó, chúng tôi rất cần sự chung tay của Cộng đồng Heo Đất, đặc biệt là những người quan tâm tới việc phát triển toàn diện cho trẻ khuyết tật cùng quyên góp 1.120.000 Heo Vàng. Số Heo Vàng sẽ được các nhà tài trợ quy đổi tương ứng với 280.000.000 đồng. Ngoài ra, dự án còn có 60 triệu được gây quỹ từ chiến dịch Trái Tim MoMo. Tổng kinh phí cho dự án là 340 triệu đồng. Số này sẽ được sử dụng để xây dựng sân chơi nước và sổ tay về sân chơi cho trẻ khuyết tật và hội thảo chia sẻ thiết kế sân chơi cho trẻ khuyết tật. Sân chơi nước bao gồm sân chơi ngoài trời 72,5m2 với 8 đầu phun nước từ dưới sàn lên, 3 bộ cây sen có 4 bát sen/bộ để phun từ trên xuống, bể vầy chứa nước với độ cao 20cm phù hợp với các bạn học sinh ở độ tuổi khác nhau.
Góp Heo Vàng gây quỹ xây sân chơi thủy trị liệu cho trẻ khuyết tật
Trẻ em khuyết tật là nhóm trẻ em yếu thế rất cần có sự chung tay của chúng ta để có thể nhiều hơn những cơ hội hòa nhập với cộng đồng, được phát triển và học tập như bạn bè đồng trang lứa. Vì vậy mọi sự đóng của các bạn đều góp phần kiến tạo một không gian chơi trị liệu sáng tạo phù hợp với trẻ em khuyết tật trí tuệ, góp phần giúp các em tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần. Hãy chung tay cùng chúng tôi trong dự án này nhé!
Về Think Playgrounds:
Think playgrounds (TPG) là một doanh nghiệp xã hội được thành lập với sứ mệnh vận động cho “Quyền được chơi” của trẻ em thông qua việc chung tay cải tạo các không gian công cộng xanh sinh thái thân thiện với trẻ em và với môi trường (sân chơi tái chế, vườn cộng đồng, công viên nhỏ, dự án nghệ thuật cộng đồng, công viên sinh thái-xã hội….) Cho đến cuối năm 2022, TPG cùng các đối tác đã xây dựng hơn 230 sân chơi công cộng và vườn cộng đồng trên cả nước, thử nghiệm mô hình sân chơi phiêu lưu, mô hình Vườn rừng cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam; tổ chức hơn 30 sự kiện chơi trên phố, ngày vui chơi, chơi tái chế... ở Hà Nội và TP HCM. Trong mảng kinh doanh, TPG đã thực hiện hơn 100 sân chơi cho các trường học tư nhân, trang trại giáo dục và các khu đô thị mới. 50% lợi nhuận trong mảng kinh doanh được sử dụng để duy trì các sân chơi công cộng trong thành phố. Trong suốt gần mười năm qua, TPG đã thiết kế và xây dựng gần 20 sân chơi hòa nhập cho trẻ em với nhiều dạng khuyết tật khác nhau.
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập quận Tân Bình:
Là cơ sở giáo dục chuyên biệt trực thuộc Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập năm 2008 với tên gọi Trường Chuyên biệt Hướng Dương, năm 2016 chuyển thành Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hoà nhập quận Tân Bình. Thực chất, trung tâm chưa đủ nhân sự để hỗ trợ giáo dục hoà nhập, hiện tại chỉ thực hiện việc dạy chuyên biệt cho học sinh khuyết tật.
Trung tâm có 2 cơ sở tại phường 2 và phường 7 quận Tân Bình, cả hai cơ sở đều chỉ có một khối nhà 2 tầng được tiếp quản từ một trường mầm non không sử dụng do diện tích quá nhỏ (400m2). Ngoài các phòng học, trung tâm không có phòng chức năng như âm nhạc, tin học, thể dục.
Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hoà nhập quận Tân Bình có trên 140 học sinh khuyết tật trí tuệ, tự kỉ và bại não, tất cả các em đều có mức độ khuyết tật từ nặng đến đặc biệt nặng, từ 5 đến 20 tuổi. Khoảng 50% học sinh chưa có ngôn ngữ nói hoặc nói vô nghĩa. 100% có tuổi trí tuệ từ 24 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi.
Học sinh được chia vào 10 nhóm lớp: 6 nhóm lớp học chương trình giáo dục phổ thông lớp 1 dành cho học sinh khuyết tật trí tuệ có điều chỉnh cho phù hợp với khả năng của từng em và 04 nhóm lớp học chương trình giáo dục kĩ năng (chủ yếu dạy các kĩ năng tự phục vụ bản thân trong cuộc sống hàng ngày).
Tất cả học sinh đến trung tâm 5 ngày/tuần, có bán trú để các em ở lại buổi trưa. Học sinh được miễn hoàn toàn học phí.