1. Lạm phát là gì? 

1.1 Khái niệm lạm phát 

Lạm phát chỉ sự tăng giá liên tục của hàng hóa và dịch vụ trong một quốc gia, khiến giá trị tiền tệ giảm dần theo thời gian. Dễ hiểu hơn thì trong điều kiện kinh tế bình thường, một đơn vị tiền tệ đủ để mua một đơn vị hàng hóa. Tuy nhiên, khi lạm phát xảy ra, cùng số tiền đó nhưng không mua được hàng hóa như trước và có thể phải trả gấp hai hoặc ba lần số tiền mới mua được một đơn vị hàng hoá. 

Ví dụ về lạm phát bạn có thể hiểu là: Trước đây, một bát phở có giá 25.000đ, nhưng khi lạm phát tăng lên, bạn có thể phải trả 30.000đ cho cùng một bát phở.

1.2 Vì sao ai cũng nên hiểu về lạm phát? 

Khi nghe đến từ lạm phát, đôi khi bạn sẽ thấy khó hiểu và nghĩ vấn đề này quá to lớn để quan tâm. Tuy nhiên MoMo tin rằng đây là điều ai cũng nên nắm, bởi việc hiểu và quản lý lạm phát là rất quan trọng vì nó tác động đến cả nền kinh tế và cuộc sống của mọi người. 

Lạm phát làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ, làm giảm giá trị tiền lương và tiết kiệm, gây khó khăn trong mua sắm. Đây cũng chính là điều tạo ra sự bất ổn cho doanh nghiệp, khiến việc đầu tư trở nên khó khăn. Hơn nữa, lạm phát có thể gia tăng bất bình đẳng xã hội, khi người giàu dễ bảo vệ tài sản hơn so với người nghèo. Vì vậy, việc nắm được mức độ lạm phát là điều quan trọng để giúp bạn có tầm nhìn về tình hình tài chính tương lai, từ đó có các kế hoạch chi tiêu đầu tư hợp lý.  

1.3 Các loại lạm phát

Lạm phát không phải lúc nào cũng có cùng mức độ nghiêm trọng. Tùy thuộc vào tốc độ tăng giá mà lạm phát sẽ được chia thành nhiều mức độ khác nhau, từ an toàn cho đến cực kỳ nguy hiểm. Các loại lạm phát khác nhau sẽ có những tác động khác nhau, để cụ thể hơn bạn có thể xem các loại lạm phát dưới đây: 

  • Lạm phát tự nhiên (0-10%): Lạm phát ở mức này an toàn và không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế hay đời sống. Thông thường các quốc gia sẽ kỳ vọng tỷ lệ lạm phát ở dưới 5%. Vừa qua vào ngày 3/7/2024, tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024” do Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính phối hợp với Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính tổ chức đã đưa ra dự đoán cho báo lạm phát của Việt Nam là dưới 3,4%. Đây là con số đáng mừng, tuy nhiên vẫn cần những biện pháp để sẵn sàng ứng phó với những thách thức trong tương lai.
  • Lạm phát phi mã (10-1000%): Tỷ lệ lạm phát này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng, giá cả tăng nhanh và bất thường, dẫn đến biến động kinh tế. Người dân sẽ chuyển sang tích trữ hàng hóa, vàng, bất động sản. Ở Việt Nam, lạm phát phi mã đã từng xảy ra giai đoạn 1986-1988 với tỷ lệ 300-800%, tuy nhiên lúc này Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã kiềm chế lạm phát nhờ chính sách thúc đẩy sản xuất trong nước và ổn định tỷ giá.
  • Siêu lạm phát (> 1.000%): Siêu lạm phát gây khủng hoảng kinh tế sâu sắc, giá cả tăng hơn 50% mỗi tháng. Đồng tiền bị mất giá trầm trọng và khó phục hồi. Các quốc gia luôn cố gắng có những biện pháp để phòng tránh lạm phát ở mức này.

2. Nguyên nhân lạm phát 

Có nhiều nguyên nhân gây ra lạm phát như sau:

2.1 Tăng chi tiêu

Nguyên nhân gây ra lạm phát là khi nhu cầu chi tiêu mạnh mẽ từ phía người tiêu dùng, chính phủ hoặc doanh nghiệp. Lý do là vì nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ vượt quá khả năng cung ứng, giá cả sẽ được đẩy lên và nếu không kiểm soát kịp thời sẽ xảy ra lạm phát gây khủng hoảng kinh tế. Đây được gọi là lạm phát do cầu kéo, khi nhu cầu tăng cao hơn so với nguồn cung hiện có.

2.2 Tăng cung tiền tệ

Khi ngân hàng trung ương tăng lượng cung tiền ra bên ngoài, tuy nhiên hàng hoá thì không được tăng sẽ khiến giá cả của một món hàng tăng lên. Khi có nhiều tiền hơn trong lưu thông, giá trị của tiền tệ giảm, dẫn đến lạm phát. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu và thường xảy ra khi chính phủ in thêm tiền để tài trợ cho thâm hụt ngân sách.

2.3 Tăng trưởng kinh tế

Mặc dù tăng trưởng kinh tế là dấu hiệu tích cực, nhưng khi tốc độ tăng trưởng quá nhanh, nó có thể là nguyên nhân gây ra lạm phát. Khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, nhu cầu lao động, nguyên vật liệu và hàng hóa tăng cao, dẫn đến giá cả tăng theo. Điều này thường xảy ra trong các giai đoạn kinh tế tăng trưởng vượt mức, khi các nguồn lực được sử dụng hết công suất.

2.4 Các nguyên nhân phi kinh tế: chiến tranh, thiên tai…

Ngoài các yếu tố kinh tế, lạm phát còn có thể bị gây ra bởi các yếu tố phi kinh tế như chiến tranh, thiên tai, hoặc các cuộc khủng hoảng chính trị. Những sự kiện này làm gián đoạn sản xuất, chuỗi cung ứng và làm giảm nguồn cung hàng hóa, khiến giá cả tăng đột biến. Các yếu tố này thường khó dự đoán và kiểm soát, nhưng chúng có thể gây ra lạm phát nhanh chóng trong thời gian ngắn.

3. Hậu quả của lạm phát

Lạm phát không chỉ làm thay đổi giá trị tiền tệ mà còn gây ra những tác động sâu rộng đến nhiều khía cạnh của nền kinh tế. Từ việc ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, tiêu dùng, cho đến tác động đến đời sống xã hội và tài chính. Cụ thể như về hậu quả của lạm phát sẽ được phân tích rõ dưới đây.

3.1 Tác động đến sản xuất 

Lạm phát khiến chi phí sản xuất tăng cao, từ nguyên liệu đầu vào đến tiền lương của người lao động. Điều này có thể dẫn đến các doanh nghiệp giảm sản xuất hoặc tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí, gây bất ổn trong chuỗi cung ứng. Đối với các doanh nghiệp nhỏ hoặc không có khả năng tăng giá, lợi nhuận giảm sút có thể dẫn đến việc đóng cửa, thất nghiệp gia tăng.

3.2 Tác động đến tiêu dùng 

Khi giá cả tăng cao nhưng thu nhập không tăng tương ứng, người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là đối với các mặt hàng không thiết yếu. Điều này có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng tổng thể, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành sản xuất và dịch vụ, làm chậm tốc độ phát triển kinh tế.

3.3 Tác động đến xã hội

Những người có thu nhập thấp sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong việc đối phó với giá cả tăng cao, trong khi những người có tài sản hoặc đầu tư vào các kênh sinh lời cao thường ít bị ảnh hưởng. Đây chính là điều có thể làm tăng căng thẳng xã hội, khi những người dân không còn đủ tiền để trang trải cuộc sống cơ bản.

3.4 Tác động đến tài chính

Lạm phát làm giảm giá trị thực tế của tiền tệ, ảnh hưởng đến tiết kiệm và đầu tư. Những người gửi tiền trong các tài khoản tiết kiệm có thể thấy giá trị tiền của mình giảm dần nếu lãi suất không theo kịp mức lạm phát. Đối với nhà đầu tư, lạm phát tạo ra sự không chắc chắn, khiến việc đưa ra quyết định đầu tư trở nên khó khăn hơn. Các công ty tài chính cũng phải điều chỉnh chính sách lãi suất để kiểm soát dòng tiền và ngăn chặn rủi ro từ lạm phát tăng cao. Chính những thay đổi này sẽ khiến tình hình kinh tế chung trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 

4. Ảnh hưởng của lạm phát đến kinh tế cá nhân

Lạm phát không chỉ tác động đến nền kinh tế chung mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tài chính cá nhân của mỗi người. Tùy thuộc vào tình hình lạm phát và cách quản lý tài sản, mỗi cá nhân có thể trải nghiệm những tác động khác nhau. Lạm phát có thể mang lại cả cơ hội lẫn thách thức đối với tài chính cá nhân. Hãy cùng xem xét các ảnh hưởng này.

4.1 Ảnh hưởng tích cực 

Trong một số trường hợp, lạm phát vừa phải có thể mang lại lợi ích cho vay nợ. Khi lạm phát tăng, giá trị thực của số tiền phải trả giảm đi, giúp người vay nợ trả tiền với giá trị thấp hơn so với lúc vay. Ngoài ra, những người đầu tư vào tài sản như bất động sản hoặc hàng hóa, lạm phát có thể làm tăng giá trị tài sản, cho các nhà buôn được với giá cao hơn.

Mức lạm phát vừa phải thường được khuyến khích xảy ra bởi nó thúc đẩy chi tiêu thay vì tích lũy tiết kiệm. Khi chi tiêu tăng, hoạt động kinh tế được kích thích, đầu tư và vay nợ trở nên sôi động hơn. Doanh nghiệp phát triển tốt, tạo ra nhiều việc làm, từ đó giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Đối với nhà nước, lạm phát vừa phải cho phép chính phủ sử dụng các công cụ tài chính để khuyến khích người dân đầu tư vào các lĩnh vực ít được ưu tiên, mở rộng tín dụng và phân bổ lại thu nhập, nguồn lực trong xã hội nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể trong thời gian nhất định.

4.2 Ảnh hưởng tiêu cực 

Thông tin ở trên là những mặt tích cực của lạm phát vừa phải, tuy nhiên nếu lạm phát vượt mức kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến lãi suất đầu tiên và việc tăng lãi suất quá cao có thể dẫn đến suy thoái kinh tế và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Tiếp theo, lạm phát ảnh hưởng đến thu nhập thực tế. Bởi lúc này đồng tiền bị mất giá và giảm giá trị thực của tiền lương. Vì cũng cùng với mức lương đó, nhưng bây giờ bạn không thể chi tiêu như xưa, điều này khiến thu nhập thực tế của bạn bị giảm. 

Thứ ba, lạm phát tác động đến phân phối thu nhập. Khi giá trị tiền tệ giảm, người vay vốn hưởng lợi vì giá trị khoản nợ giảm, dẫn đến nhu cầu vay tăng, đẩy lãi suất lên cao. Trong khi đó, người giàu thường sử dụng tiền để đầu cơ tài sản, gây mất cân bằng cung-cầu hàng hóa, khiến giá cả tiếp tục leo thang. Điều này làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, dẫn đến người nghèo khó tiếp cận các hàng hóa thiết yếu, còn người giàu càng trở nên giàu có hơn, gây ra nguy cơ bất ổn xã hội.

5. Những cách hữu hiệu bảo vệ tài sản của bạn khỏi lạm phát 

Đọc đến đây có lẽ bạn sẽ thắc mắc “Làm gì khi lạm phát tăng cao?”. MoMo sẽ chỉ ra 6 cách giúp bạn giảm thiểu rủi ro do lạm phát gây ra.

5.1 Tích trữ tài sản hữu hình 

Trong thời kỳ lạm phát, tiền mặt có thể mất giá nhanh chóng. Một giải pháp là chuyển một phần tài sản thành các tài sản hữu hình như vàng, bạc hoặc các loại hàng hóa có giá trị ổn định. Những tài sản này thường giữ giá tốt hơn so với tiền tệ, giúp bảo vệ giá trị tài sản của bạn trước sự mất giá của tiền.

Đặc biệt, bạc có nguồn cung hạn chế và được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp lớn, khiến giá trị của nó có xu hướng tăng khi nguồn cung giảm dần theo thời gian. Việc nắm giữ cả vàng và bạc là một biện pháp hiệu quả để bảo vệ tài sản trước lạm phát. Tuy nhiên bạn cũng nên đảm bảo mua từ các đại lý uy tín để tránh rủi ro bị lừa đảo.

5.2 Đầu tư vào ngoại tệ 

Nếu bạn lo ngại về sự mất giá của đồng nội tệ, việc đầu tư vào các loại ngoại tệ mạnh, như USD hoặc EUR có thể là một cách để bảo vệ tài sản. Tỷ giá ngoại tệ thường có xu hướng tăng khi lạm phát trong nước tăng, giúp bảo vệ giá trị tài sản của bạn trước những biến động về tiền tệ.

5.3 Xem xét đầu tư vào bất động sản

Bất động sản là một kênh đầu tư phổ biến trong thời kỳ lạm phát. Khi giá đất và nhà cửa tăng, giá trị bất động sản cũng tăng theo, giúp bạn duy trì hoặc thậm chí gia tăng tài sản. Khi đầu tư vào bất động sản, điều quan trọng nhất là đảm bảo tài sản của bạn tạo ra dòng tiền dương để mang lại lợi nhuận hàng tháng và lâu dài. Không chỉ giúp bạn có thu nhập thụ động, bất động sản còn có khả năng tăng giá trị theo thời gian, mang lại lợi ích kép. Tuy nhiên, bạn nên tính toán kỹ lưỡng, tránh tạo ra dòng tiền âm, vì chúng có thể khiến bạn chịu gánh nặng tài chính lớn. 

5.4 Kiếm cách tăng thu nhập

Khi bạn có nhiều nguồn thu hơn, bạn có thể dễ dàng điều chỉnh và thích nghi với sự tăng giá hàng hóa và dịch vụ. Một số cách tăng thu nhập có thể kể đến là kinh doanh các mặt hàng có nhu cầu cao. Bằng cách nắm bắt thị trường và lựa chọn sản phẩm phù hợp, bạn có thể tạo ra lợi nhuận ổn định trong thời kỳ lạm phát.

5.5 Tìm hiểu cổ phiếu, trái phiếu 

Trong khi cổ phiếu có khả năng mang lại lợi nhuận cao khi thị trường phát triển, trái phiếu có thể cung cấp thu nhập ổn định với rủi ro thấp hơn. Tìm hiểu và đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ giúp bạn tăng thu nhập và bảo vệ tài sản khỏi tác động của lạm phát.

5.5 Gửi tiết kiệm có lãi suất cao

Nếu bạn muốn giữ một phần tiền mặt để dự phòng nhưng vẫn đảm bảo sinh lời, hãy chọn các gói gửi tiết kiệm có lãi suất cao. Ngân hàng thường cung cấp những gói tiết kiệm có kỳ hạn với lãi suất hấp dẫn, giúp bạn bù đắp phần nào sự mất giá của tiền tệ do lạm phát. Đây là một phương án an toàn và hiệu quả để duy trì giá trị tài sản.

Kết luận

Để giảm thiểu ảnh hưởng của lạm phát lên tài sản cá nhân, việc hiểu rõ về lạm phát và các biện pháp bảo vệ tài sản là vô cùng quan trọng. Hy vọng qua bài viết sau bạn đã hiểu hơn lạm phát là gì và cần làm gì khi lạm phát tăng cao. Từ việc đầu tư vào các tài sản hữu hình như vàng, bạc, đến bất động sản, hoặc cân nhắc việc tăng thu nhập và đa dạng hóa nguồn đầu tư, bạn có thể chủ động bảo vệ giá trị tài sản của mình. Bằng cách theo dõi sát sao thị trường, điều chỉnh chiến lược tài chính kịp thời, bạn sẽ duy trì được sự ổn định tài chính ngay cả trong thời kỳ lạm phát cao.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo và không nên được xem là lời khuyên tài chính, đầu tư, hoặc pháp lý chính thức. MoMo không chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. MoMo khuyến khích bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ cố vấn tài chính hoặc chuyên gia trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào liên quan đến tài chính cá nhân.