“Hãy trao chúng em cơ hội để vươn lên”
Chúng em được sinh ra, mang trong mình những khiếm khuyết riêng khiến bản thân trở nên có chút khác biệt so với các bạn cùng trang lứa. Với sự hỗ trợ của thầy cô, cùng với những tài năng đặc biệt của riêng mình, hàng ngày chúng em vẫn đang nỗ lực từng bước trên con đường học tập và thực hiện giấc mơ theo cách riêng của mình.
Ước mơ của chúng em được ấp ủ trong những lớp học đặc biệt, ở đó bàn ghế được sắp xếp và bố trí khác biệt hơn các lớp học khác, để chúng em tiếp thu bài học tốt hơn. Những giờ học của chúng em gắn bó các bảng đếm số, những hình vẽ, tranh ảnh màu sắc, những video clip sống động và nhịp độ chậm, đa dạng hình ảnh về các chủ đề học tập khác nhau.
Các em học sinh khiếm khuyết rất cần những thiết bị hỗ trợ học tập
Chúng em - những đứa trẻ khiếm khuyết, cần một thời gian dài nỗ lực luyện tập, cần sự trợ giúp từ thầy cô, ba mẹ, để những tiếng nói tưởng chừng đơn giản như “cha”, “mẹ”, “quả táo”, “cái bàn”.... mới có thể được phát âm tròn vành rõ chữ. Vậy nên, những thiết bị hỗ trợ học tập thật sự rất cần thiết với mỗi người chúng em.
Tuy nhiên, giáo viên hướng dẫn và người chăm sóc của các em vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng phương pháp giảng dạy phù hợp với các em. Hơn nữa, tại các trường nuôi dạy trẻ khuyết tật vẫn còn thiếu những tài liệu học tập bổ trợ, những chiếc màn hình TV, những chiếc máy tính xách tay,.. đây là những chiếc cầu nối giữa nhu cầu đặc biệt của trẻ với bài học nhận thức rất đỗi cơ bản. Sự khó khăn này có thể được nhìn thấy tại nhiều cơ sở giáo dục đặc biệt ở Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ.
Thiết bị hỗ trợ giúp học tập giúp các em học sinh khuyết tật có cơ hội tiếp thu nhanh hơn trong giờ học
Vượt lên trên cả ý nghĩa của những yếu tố trợ giúp thông thường, các thiết bị hỗ trợ và sự thấu hiểu các em của giáo viên và người chăm sóc sẽ giúp cho các em nhỏ khuyết tật - dù mang những nhịp điệu khác biệt, có thể học tập và tiếp thu các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống dễ dàng hơn.
Chung tay giúp 1000 trẻ em khuyết tật, người chăm sóc và 160 giáo viên tại các trường giáo dục đặc biệt
Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý đã nhận thấy nhiều khoảng trống từ những câu chuyện xoay quanh trẻ khuyết tật, giáo viên và người chăm sóc, thông qua các trải nghiệm thực tế.
Vì vậy, Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý mong muốn thu hẹp khoảng cách giữa những trẻ em có nhu cầu đặc biệt này để các em có được cơ hội bình đẳng như bao trẻ em khác, có thể không ngừng học hỏi và trưởng thành mỗi ngày trong một nền giáo dục chất lượng phù hợp với các em.
Chung tay gây quỹ xây dựng thư viện số dành riêng cho trẻ khuyết tật
Trong dự án này, Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý kêu gọi Cộng đồng nhân ái từ người dùng Siêu ứng dụng MoMo cùng chung tay quyên góp số tiền là 100.000.000 đồng. Tấm lòng của quý vị sẽ đồng hành cùng chúng tôi hỗ trợ xây dựng thư viện số dành riêng cho trẻ khuyết tật, góp phần đào tạo thêm nhiều giáo viên có chuyên môn giảng dạy cho trẻ khuyết tật, giúp người chăm sóc thấu hiểu các em nhiều hơn, cung cấp màn hình TV và máy tính cơ bản cho 6 trường Nuôi dạy trẻ Khuyết tật ở các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ.
Quỹ Đinh Thiện Lý xin cam kết sử dụng hợp lý và hiệu quả số tiền quyên góp, để cùng hướng đến điều kiện học tập tốt đẹp hơn cho trẻ khuyết tật. Mọi khoản đóng góp đều chắp cánh cho cơ hội phát triển trong những em có nhu cầu đặc biệt này.
Về Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Đinh Thiện Lý:
Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng Đinh Thiện Lý (Lawrence S.Ting Foundation - LSTF), được thành lập năm 2005, là tổ chức Phi chính phủ tại Việt Nam với hai lĩnh vực hoạt động chính là Giáo dục và Y tế. Trong gần 20 năm qua, Quỹ đã hỗ trợ hơn 1,8 triệu trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn trên khắp Việt Nam.
Dự án "Thiên thần chậm bước" được Quỹ thực hiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em khuyết tật tại Việt Nam với 3 trọng tâm Củng cố chất lượng giáo viên, Xây dựng thư viện số đầu tiên cho trẻ khuyết tật, Nâng cao nhận thức của người chăm sóc.
Trong giai đoạn đầu, Quỹ hợp tác với 6 trường Giáo dục Đặc biệt vùng Đồng bằng sông Cửu Long để hỗ trợ 1.000 trẻ em khuyết tật và sẽ mở rộng dự án ra khu vực miền Trung, miền Bắc, mang lại lợi ích cho 670.000 trẻ em khuyết tật trong 10 năm tới.