Dọc theo các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Hồng như Hưng Yên (địa phận tỉnh Thái Bình cũ) và Ninh Bình (địa phận tỉnh Nam Định cũ những cánh rừng ngập mặn từng phủ xanh một vùng rộng lớn. Chúng là nơi cư trú tự nhiên của cá, cua, cò, vạc, là nơi sinh sôi của các loài thủy sản – và hơn thế, từng là “tấm khiên xanh” bảo vệ con người trước bão lũ, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Nhưng theo thời gian, những cánh rừng ấy dần biến mất. Bờ biển bị xói mòn, đất đai nhiễm mặn, nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, mùa cá tôm trở nên thất thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân ven biển.
Những cánh rừng biến mất ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân ven biển
Khu vực này nằm trong Khu dự trữ sinh quyển Đồng bằng sông Hồng – được UNESCO công nhận từ năm 2004 với hai vùng lõi là Vườn Quốc gia Xuân Thủy và Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải. Trên diện tích 14.167 ha, hệ sinh thái nơi đây đặc trưng bởi rừng ngập mặn, đầm nước lợ và bãi triều, là môi trường sống quý giá cho khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 60 loài chim di cư và hơn 50 loài chim nước.
Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, rừng ngập mặn tại khu vực này đang phải đối mặt với áp lực lớn từ các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển. Đặc biệt, các mô hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng. Nhiều cộng đồng địa phương, vì mưu sinh ngắn hạn, buộc phải mở rộng diện tích nuôi tôm thay vì giữ lại rừng, tạo thêm áp lực làm suy giảm vai trò phòng hộ và điều tiết sinh thái của hệ rừng ngập mặn – vốn được ví như “lá chắn xanh” của vùng ven biển.
Rừng ngập mặn là “nhà hộ sinh” của hàng triệu loài sinh vật
Rừng ngập mặn – không chỉ là cây rừng mà còn là “nhà hộ sinh” của hàng triệu loài sinh vật biển – từ cá, tôm đến cua ghẹ và là nơi trú ngụ quý giá của nhiều loài chim di cư, động vật hoang dã ven biển – những sinh linh đang dần biến mất trong thầm lặng. Lá, rễ và đất rừng hấp thụ carbon gấp 4–5 lần rừng trên cạn, góp phần chống biến đổi khí hậu, đặc biệt rễ đước, rễ bần giữ đất, ngăn sóng, chống xói mòn.
Ở giai đoạn 1 của dự án Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) kêu gọi sự chung tay của Cộng đồng Người dùng Siêu ứng dụng MoMo cùng quyên góp 250.000.000 đồng. Nguồn ngân sách đó dự kiến sẽ được sử dụng để triển khai chiến dịch phục hồi 5 ha rừng ngập mặn tại vùng ven biển Đồng bằng sông Hồng khu vực Hưng Yên và Ninh Bình, với các hoạt động:
- Trồng lại các loài cây ngập mặn bản địa như mắm, đước, bần ở những khu vực bị suy thoái.
- Khảo sát và phục hồi các vùng sinh sản thủy sinh tự nhiên, giúp tôm cá quay về.
- Giám sát khả năng hấp thụ carbon sinh học, đóng góp vào mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.
- Phối hợp cùng cộng đồng địa phương, phát triển sinh kế gắn với bảo vệ rừng.
Chung tay gây quỹ phục hồi rừng ngập mặn
Phục hồi rừng không thể là công việc của riêng một tổ chức hay chỉ diễn ra trong một mùa trồng cây. Đó là một hành trình bền bỉ, đòi hỏi sự kiên trì, trách nhiệm – và trên hết, là niềm tin vào sức sống của thiên nhiên và lòng nhân ái của con người. Mỗi cây bạn góp, là một nhịp thở cho rừng. Vì vậy, mỗi khoản đóng góp, là một bước tiến để ven biển này không còn lo trống vắng mùa cá, lo nước mặn tràn sâu vào ruộng lúa, giữ lại bình yên cho vùng ven biển. Vì vậy, hãy chung tay cùng chúng tôi – để rừng ngập mặn hồi sinh, để thiên nhiên tiếp tục chở che con người như đã từng bạn nhé!
Về Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature):
Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) là tổ chức phi lợi nhuận ngoài công lập, thành lập năm 2006, hoạt động với sứ mệnh bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng và phong phú của thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương thông qua tìm kiếm, quảng bá, thực hiện các giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường. PanNature hướng tới một Việt Nam bền vững và thân thiện với môi trường, nơi tất cả mọi người có cuộc sống phồn vinh và hài hòa với thiên nhiên, những nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ được sử dụng hợp lý, đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững của đất nước cho hôm nay và mai sau. Thông tin chi tiết, mời bạn truy cập tại địa chỉ: https://nature.org.vn/