Nỗi cơ cực của người bà chăm 4 đứa cháu
Ở thôn Đan Hội, xã Dân Chủ, Hưng Hà, Thái Bình; ai cũng biết bà Thi, bởi một mình chăm sóc bốn cháu. Bà Thi từng vào Gia Lai làm kinh tế mới từ năm 1994 rồi trở về Bắc năm 2010. Cậu con út Nguyễn Văn Tuyền 37 tuổi thì ở lại đó làm ăn, lấy vợ rồi sinh con. Hai đứa con trai lớn lần lượt ra đời năm 2008 và 2010, năm 2016 vợ chồng anh Tuyền lại có cặp sinh đôi Tứ và Quý, nhưng được vài tháng mẹ bỏ đi. Không thể một mình chăm bọn trẻ, năm bố con dắt díu nhau ra Bắc. Người bà nhớ rõ hôm đó mưa rất lớn: "Cứ như ông trời đang khóc thương cho tôi vậy". Từ thời điểm đó, bà Thi, người vốn mang trong mình căn bệnh thấp khớp, đi lại khó khăn, một mình chăm bốn đứa trẻ.
Vắng mẹ, cặp sinh đôi Tứ, Quý khóc ngằn ngặt vì thiếu sữa. Đêm xuống, thằng anh khóc là thằng em gào theo khiến người bà không kịp trở tay. Nhiều lúc vì loay hoay pha sữa, bà quên mất không biết đứa nào uống rồi. Có hôm thằng anh được bú tới hai lần trong khi thằng em bị bỏ đói, khóc thét lên mới biết là nhầm. Một đứa phát ban, y rằng hôm sau đứa còn lại cũng nổi nốt. Đi mua thuốc, bà Thi mua hai liều cho chắc. Nhiều lúc một mình thức đêm chăm bọn nhỏ, người phụ nữ này chỉ biết ôm cháu, kiệt sức khóc. "Mới đầu nuôi, tôi chỉ biết cho chúng ăn chứ không làm được gì hơn", bà kể. Thấy người bà vất vả, từng có người xin nuôi hộ 1-2 đứa rồi khuyên gửi vào chùa nhưng bà kiên quyết từ chối. "Bọn nhỏ đã không có mẹ, giờ ông bà lại bỏ, chúng sẽ tủi thân, ai lại đành lòng".
Bà Thi hiện đã 72 tuổi cùng cháu trai thứ hai tên Thiện, năm nay lên lớp 8 và cặp sinh đôi Tứ, Quý
Nhà nghèo, bà Thi gom từng đồng ông và bố gửi về mua sữa cho cháu. Thế nhưng cứ đến cuối tháng, bà hiếm khi nào trong túi còn đủ tiền mua đủ hộp sữa cho hai đứa nhỏ. Hàng xóm cũng thương tình cho nợ. Cặp sinh đôi cứ lớn lên từ những hộp sữa mang nợ như vậy. May mắn bọn trẻ dễ nuôi, ít ốm vặt, bữa có bữa không nhưng vẫn lớn. Trước đây, bà cũng nuôi con gà để cho các dịp giỗ chạp trong nhà, mà cũng nhờ dịp đó các cháu mới có bữa ăn cải thiện. Những ngày đó, bốn đứa cháu rất vui, quanh quẩn bên bà chờ đợi. "Cháu xin cái chân, cháu xin cái cánh", chúng tranh nhau nói rộn ràng cả một góc nhà vốn chỉ toàn tiếng thở dài của bà nội. Dù bữa ăn ít khi xuất hiện thịt cá, chỉ quanh quẩn trứng, đậu, rau... những thứ rẻ nhất ngoài chợ, nhưng bà Thi luôn dạy cháu, phải tự sống bằng sức lao động của chính mình.
Ba năm trước, chồng bà bị xơ gan nhưng giấu gia đình, âm thầm chịu đựng không chữa bệnh dành tiền nuôi các cháu. Ông mất, kinh tế gia đình ngày càng giảm sút. Tiền học, tiền ăn của bọn trẻ giờ chỉ dựa vào đồng lương làm công nhân ít ỏi của anh Tuyền, thi thoảng có người bác giúp đỡ thêm. Năm 2021, khi mà dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thì bà Thi nhiễm bệnh tới hai lần, nên sức khỏe đi xuống, không thể tiếp tục một mình chăm cháu. Từ đó anh Tuyền về chăm con với công việc chính là làm điện nước tự do trong xã, bữa có việc, bữa không, thu nhập vì thế cũng bấp bênh.
Những đứa trẻ nhỏ hiểu chuyện đến đau lòng
Vì mắt bà nội ngày càng mờ do đục thủy tinh thể, thêm chân tay yếu vì bệnh khớp nên hai cháu trai đầu, thằng 15 tuổi, thằng 13 tuổi thay bà lo việc nhà, tự đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo rồi dìu đỡ bà khi cần. Biết hoàn cảnh gia đình nghèo nên bốn cậu bé chưa bao giờ đòi hỏi thứ gì. Chúng thường tự bảo ban nhau chơi, học để bà đỡ phiền lòng. Nhà nghèo, ăn không đủ chất, bởi vậy dù 15 tuổi nhưng Tín - anh trai cả - chỉ nặng hơn 30kg, cậu em kế tên Thiện hơn 20 kg, dù đã 13 tuổi. Hai cậu em út 6 tuổi Tứ và Quý cũng gầy quắt queo, nặng chưa tới 14kg. Thương bố và bà vất vả, năm rồi khi vừa tốt nghiệp lớp 9, Tín nghỉ học đi làm phụ giúp nuôi em. Cậu theo bác ruột phụ mộc, nhưng bị dị ứng mùi sơn gỗ gây khó thở, đành xin nghỉ. "Cháu định theo bạn sang Hưng Yên bóc long nhãn, ngày kiếm 30.000-40.000 đồng. Nhưng quãng đường xa, lại không có phương tiện nên chắc tìm việc khác", Tín nói.
Biết hoàn cảnh gia đình nghèo nên 4 cậu bé chưa bao giờ đòi hỏi thứ gì và thường tự bảo ban nhau chơi, học để bà đỡ phiền lòng
Cậu em thứ hai học khá nên được một ngôi chùa gần nhà hỗ trợ mỗi tháng một triệu đồng. Bà Thi dành số tiền này cải thiện bữa ăn cho bốn cháu đều đang tuổi ăn tuổi lớn. Thiếu bàn tay chăm sóc, tình thương, hơi ấm của mẹ nên bọn trẻ trở nên lầm lũi, thu mình, ngại giao tiếp. Chỉ có cặp sinh đôi Tứ và Quý, vì còn nhỏ chưa hiểu được sự thua thiệt nên vẫn hồn nhiên đúng lứa tuổi.
Ông Bùi Văn Triệu, trưởng thôn Đan Hội cho hay, gia đình anh Tuyền và bốn con năm 2023 thuộc diện hộ nghèo của xã. Theo đó, mỗi tháng được hỗ trợ hơn 50.000 đồng tiền điện và khám bảo hiểm y tế được miễn phí 100%. Ngày được công nhận hộ nghèo, người đàn ông 37 tuổi nói như reo: "Đỡ được đồng nào hay đồng đó".
Chung tay gây quỹ dịp Sinh nhật Heo Đất 4 tuổi, giúp gia đình bà Thi và 4 em nhỏ vơi bớt phần nào nỗi vất vả
Giữa trưa những ngày hè tháng 8, thời tiết mỗi lúc một oi bức. Bà Nguyễn Thị Thi cố tìm trong kho chiếc quạt điện cũ đã phủi bụi rồi nhấn tay kiểm tra nút bấm, thở phào khi luồng gió mát phả ra. "May mà còn chạy. Chứ quạt hỏng hàng loạt, nóng thế này lũ trẻ chịu sao nổi". Nói rồi bà lật đật vào bếp. Hàng xóm vừa cho vài con cá rô phi câu được ngoài ao, bà đổi bữa cho các cháu. "Thỉnh thoảng mới có thịt cá ăn, còn lại chỉ có trứng và đậu phụ", người phụ nữ 73 tuổi cười rồi xắn tay làm cá. Trời càng về chiều, không khí trong nhà bà Thi càng ngột ngạt. Sau khi làm sạch mấy con cá rô phi, bà thở phào: "Tối nay có bữa riêu cá ngon để ăn rồi". Nhưng niềm vui của người phụ nữ này chỉ được chốc lát, bởi được bữa hôm nay, bà còn lo cho ngày mai, cũng giống như tương lai bấp bênh của bọn trẻ. "Chỉ mong có sức khỏe lo cho ba đứa còn lại học hành đến nơi đến chốn, không bỏ giữa chừng như thằng anh cả là tôi mãn nguyện lắm rồi", bà nói.
Bà Thi và 4 đứa cháu trai vây quanh bữa chiều là vài con cá rô phi được hàng xóm cho
Đồng cảm trước nỗi lo toan vất vả của gia đình bà Thi, nhân dịp Sinh nhật Heo Đất 4 tuổi, Siêu ứng dụng MoMo kết hợp cùng Quỹ Hy Vọng kêu gọi Cộng đồng Heo Đất cùng chung tay gây quỹ số tiền là 15.000.000 đồng. Số tiền này sẽ được gửi đến gia đình bà Thi và 4 em nhỏ kém may mắn, giúp bà vơi bớt đi phần nào nỗi lo toan của người bà đã bước qua tuổi xế chiều. Đó cũng là nguồn động viên lớn lao để các em nhỏ tiếp tục học tập, tiếp tục cuộc sống khó khăn còn dài ở phía trước. Mỗi một đóng góp của Quý vị dù ít hay nhiều cũng góp phần giúp gia đình bà Thi vượt qua chặng đường gian nan này.
Nhân dịp này, Quỹ hy Vọng cũng gửi lời tri ân, lời cảm ơn chân thành nhất đến những chủ trại Heo đã, đang và sẽ đồng hành cùng chúng tôi trong hành trình thiện nguyện đầy ý nghĩa này. Tuổi mới, cộng đồng Heo Đất, các chủ trại Heo sẽ làm nên nhiều điều tuyệt vời hơn nữa.
Về Quỹ Hy Vọng:
Hope Foundation là quỹ xã hội - từ thiện hoạt động vì cộng đồng, không vì lợi nhuận, do VnExpress và Công ty Cổ phần FPT vận hành. Quỹ Hy vọng theo đuổi hai mục tiêu: hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn và tạo động lực phát triển. Quỹ Hy Vọng cho rằng để tạo ra một xã hội phát triển thì trước hết cần có nhiều sự kết nối để chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. Và thúc đẩy các dự án phát triển trong đó mọi người được khuyến khích giải phóng tiềm năng của họ và trang bị cho mình các công cụ, cũng sẽ xóa đói giảm nghèo và tạo ra sự bình đẳng.