Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng
Tham dự hội thảo có sự hiện diện ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Ngô Vi Đồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), Chủ tịch Chi hội VNISA phía Nam, cùng các đại diện một số cơ quan đơn vị của các Bộ, ban, ngành; các nhà cung cấp giải pháp, công nghệ và những chuyên gia an toàn thông tin (ATTT) và công nghệ thông tin (CNTT); các cơ quan truyền thông báo đài. Ông Thái Trí Hùng (GĐ Trung tâm CNTT), đại diện Ví MoMo có phần tham luận trong sự kiện về chủ đề: ATTT trong các hệ thống thanh toán - Kinh nghiệm triển khai thực tiễn trên MoMo.
Ngày An toàn Thông tin Việt Nam lần thứ 11 là sự kiện thường niên đã tạo được uy tín trong cộng đồng Công nghệ thông tin và An toàn Thông tin, diễn ra trong xu thế của ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các sản phẩm, dịch vụ thông minh. Trong bối cảnh đó, việc đảm bảo ATTT sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn và phải có sự chuyển đổi để phù hợp với xu thế phát triển trong lĩnh vực CNTT-TT. ATTT cũng phải dựa trên “công nghệ thông minh” mới có thể đáp ứng được những nhu cầu phát triển của xã hội.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Thế giới đang bước vào nền kinh tế số, để tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp buộc phải tiến hành chuyển đổi số để thích ứng và tồn tại bằng việc đưa hầu hết các hoạt động của mình lên không gian mạng”. Trên thế giới hiện đang có 7 tỷ thiết bị IoT và Việt Nam đang có chừng 350.000 thiết bị IoT, chủ yếu là các camera, router. Theo Thứ trưởng Hưng, đây chính là “mảnh đất màu mỡ” với giới tội phạm mạng đang nhắm vào.
Nhấn mạnh: “An toàn an ninh mạng là cuộc đua marathon chứ không phải là cuộc đua nước rút”, Thứ trưởng kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ ý thức đầy đủ hơn về cuộc chiến lâu dài này. Đồng thời, đưa ra “đề bài” cho Ngày an toàn thông tin Việt Nam là làm thế nào để rút ngắn khoảng cách ATTT của Việt Nam so với các nước và biến ATTT trở thành ngành kinh tế có lợi thế của Việt Nam. Hiện tại, xếp hạng ATTT của Việt Nam khá thấp, thứ hạng xấp xỉ 100 trên toàn thế giới.
Chương trình tiếp tục với các tham luận như Hiện trạng ATTT khu vực phía Nam 2018 (TS. Trịnh Ngọc Minh - PCT Chi hội VNISA phía Nam); Sự kết hợp của công nghệ, chuyên gia bảo mật và Dữ liệu lớn trong đảm bảo an toàn thông tin (Ông Nguyễn Trọng Huấn - Kaspersky VN); Man.Cloud.Sercurity (Sam Lee - Checkpoint); Giả pháp An ninh bảo mật trong kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo (Ông Avinash - Microsoft); An ninh bảo mật trên tất cả (Kery Singleton - Cisco)... cùng hai tọa đàm về chủ đề đào tạo nhân lực ATTT và ATTT trong IoT.
Ông Thái Trí Hùng - Giám đốc Trung tâm CNTT MoMo
Ông Thái Trí Hùng - Giám đốc Trung tâm CNTT (CTO) MoMo đã có phần trình bày liên quan thiết thực đến an toàn thông tin của hàng triệu người dùng và kinh nghiệm xử lý của MoMo. Ông Hùng khẳng định quan điểm của Ví MoMo về bảo mật: “Giữa ba yếu tố của sản phẩm là an toàn - tiện - nhanh thì MoMo luôn đặt an toàn lên hàng đầu”.
Ông Hùng cho rằng ví điện tử an toàn hơn với người dùng và đang chứng tỏ sự thắng thế ở các thị trường thanh toán không tiền mặt mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Kenya bởi ví điện tử được gắn liền với điện thoại cá nhân.
“Điện thoại ngày càng bảo mật hơn, những dòng điện thoại mới như iPhone X còn có khả năng mã hóa phần cứng, đảm bảo ngoài chủ nhân thì không ai xâm nhập được bất kỳ thông tin gì trên máy mà không được phép. Điện thoại bảo mật nhiều lớp tốt hơn với mật khẩu của điện thoại (đã rất an toàn) và mật khẩu của ứng dụng. Ngoài ra, điện thoại có thể bảo mật bằng sinh trắc học với những dữ liệu vân tay/móng mắt/khuôn mặt chỉ “chính chủ” mới có”, ông Hùng nói. Công nghệ bảo mật của MoMo và các Ví tuân thủ việc mã hóa số thẻ tín dụng (tokenization) khiến kẻ gian không thể khai thác điểm yếu của thẻ chính là mọi thông tin đều có trên bề mặt thẻ.
Ông Hùng còn phân tích các giải pháp bảo mật và phòng ngừa rủi ro trong thanh toán số như Thanh toán không chạm, Danh tính số, Bảo vệ dữ liệu và Lừa đảo qua mạng.
Về vấn đề Lừa đảo qua mạng, ông Hùng đề cao sự tự chủ bảo vệ thông tin của người dùng bởi đây thường là lớp tường thành thường bị kẻ lừa đảo khai thác đầu tiên. MoMo cũng đưa ra những biện pháp mới để cảnh báo người dùng tốt hơn. “Chúng tôi đã thay đổi cách gửi OTP: từ OTP được đặt lên đầu tin nhắn đến chuyển câu cảnh báo lên trước và đến nay thì bỏ luôn nhắn tin OTP, thay bằng cuộc gọi”, ông Hùng cho biết. Với giải pháp mới, lượng người dùng bị kẻ gian lợi dụng, lừa đảo mã OTP đã giảm xuống rõ rệt.
Các gian triển lãm tại Hội thảo
Đặc biệt, bên cạnh chương trình hội thảo, còn có khu trưng bày, triển lãm giới thiệu giải pháp, sản phẩm CNTT và ATTT của các tổ chức và doanh nghiệp. Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2018 sẽ là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp giới thiệu với các khách hàng, đối tác về các giải pháp, sản phẩm ATTT mới nhất, các vấn đề về xây dựng nguồn nhân lực và chuẩn hóa quốc tế trong ATTT.