
Hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) tổ chức dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với chủ đề "Việt Nam: Đối tác kinh doanh tin cậy trong kỷ nguyên số”. Năm nay, Hội nghị thu hút gần 700 đại biểu là CEO của các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Hội nghị còn có các diễn giả khác là các lãnh đạo của bộ ngành, tổ chức quốc tế, học giả và các doanh nghiệp lớn, uy tín.
Với chủ đề “Việt Nam - Đối tác kinh doanh tin cậy trong Kỷ nguyên Số”, hội nghị VBS năm nay tập trung thảo luận về những đổi mới khoa học công nghệ. Sự chuyển dịch nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và những cơ hội cho Việt Nam. Qua đó, các diễn giả đã có những thảo luận về xu hướng số hóa trên toàn cầu. Sự tác động của công nghệ đối với các thị trường mới nổi ở Việt Nam cũng như những cơ hội và mô hình kinh doanh mới đang được hình thành.

CEO Phạm Thành Đức: MoMo đang phải “lội ngược dòng”
Tại Hội nghị CEO Phạm Thành Đức đại diện Ví điện tử MoMo đã tham gia phiên thảo luận “Tối ưu hóa cơ hội kinh doanh tại Việt Nam”. Ngồi phiên thảo luận, ngoài CEO Phạm Thành Đức có sự tham gia của ông Nguyễn Đức Vinh (Tổng Giám đốc VPBank), ông Lương Văn Thanh (Chủ tịch HĐQT, Công ty Thủy sản Việt - Úc) và ông Phan Minh Tâm (Chủ tịch HĐQT, Công ty Đầu tư Công nghệ Giản đơn STI). Phiên 3 do ông Trần Đình Thiên (Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng) điều phối.
Trả lời câu hỏi của người điều phối về: Những cơ hội mà MoMo nhìn thấy tại Việt Nam cũng như những thách thức mà startup như MoMo phải vượt qua? CEO Phạm Thành Đức cho biết, MoMo đến thời điểm này đã gần 13 tuổi “nếu gọi là khởi nghiệp thì e chúng tôi... hơi già nhưng thú thực quá trình của MoMo cũng có rất nhiều thăng trầm”, ông Đức bày tỏ.
MoMo khởi đầu không phải là Ví điện tử mà chỉ là đơn vị phân phối các dịch vụ thẻ cào cho nhà mạng. Thời điểm này các hành lang pháp lý về thanh toán di động, ví điện tử hầu như chưa có và MoMo phải làm việc với NHNN, đề xuất ra những mô hình kinh doanh đầu tiên cho thị trường “quá trình này cũng mất rất nhiều thời gian, chừng độ 6, 7 năm”, ông Đức cho biết.
Câu chuyện thanh toán điện tử ngày nay dần trở nên quen thuộc hơn. Cụ thể, Chính phủ đã có nghị quyết 02 về thúc đẩy thanh toán ko tiền mặt, MoMo là một fintech cung cấp dịch vụ Ví điện tử cũng đang nằm trong nỗ lực này. CEO MoMo cho biết, là một doanh nghiệp do 100% các nhà sáng lập Việt Nam tạo ra, thách thức lớn nhất mà MoMo gặp phải là làm sao xây dựng một sản phẩm cho chính người Việt Nam, thu hút người Việt Nam, loại trừ tâm lý ‘sính ngoại’ để người dân sử dụng sản phẩm do người Việt làm.
Với những nền kinh tế mà tiền mặt đang giữ vai trò thống trị như Việt Nam thì những doanh nghiệp như MoMo đang phải “lội ngược dòng” để biến nền kinh tế tiền mặt thành phi tiền mặt. Làm sao để người dân thay đổi? CEO MoMo đã chia sẻ một thực tế “đau lòng” là những công ty cùng thời với MoMo đều “tử trận” vì cuộc chơi quá khắc nghiệt. “Công nghệ thay đổi rất nhanh, công nghệ của bạn hôm nay dù rất đỉnh nhưng có khi 6 tháng sau sẽ không còn ý nghĩa gì cả! Sau một thời gian loay hoay, chúng tôi đã tìm ra ‘chìa khóa’ là phải giáo dục được hành vi thanh toán của người dùng”, ông Đức nhận định.
Đến nay, giai đoạn khó khăn nhất đã qua, MoMo đã có những hợp tác chặt chẽ với hơn 22 ngân hàng lớn tại Việt Nam và hàng chục ngàn đối tác ở mọi lĩnh vực từ rạp chiếu phim, nhà hàng, quán cà phê, đến quán nước đến cả cơ quan nhà nước “Tôi lấy một ví dụ, lâu nay mọi người muốn xem phim phải đến rạp trước cả giờ đồng hồ để mua vé, chọn phim, chọn chỗ thì giờ đây tất cả chỉ cần thực hiện trên Ví MoMo. Chúng tôi đã hợp tác với tất cả các rạp phim lớn ở Việt Nam”. CEO Phạm Thành Đức nhấn mạnh, MoMo đang làm thay đổi rõ rệt thói quen thanh toán của người Việt Nam và đem lại rất nhiều lợi ích cho các đối tác, giúp đối tác tối ưu hoạt động kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng “Đó là lý do chúng tôi tồn tại đến giờ phút này”, CEO MoMo nói.
Thế nhưng, theo ông Đức cái khó nhất của MoMo là: Đang hoạt động trong một lĩnh vực dù phạm vi chỉ ở tầm địa phương, nhưng cạnh tranh toàn cầu. Rất nhiều ‘đại gia’ trong khu vực sẵn sàng đốt tiền để ‘đánh chiếm’ thị trường Việt Nam. “Họ không phải là công ty khởi nghiệp giống chúng tôi mà là các đại gia. Họ là Grab, là Sea… họ có những dịch vụ như Grab Pay, AirPay và sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đô la Mỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam”, ông Đức nói.
Bàn về những trở ngại khách quan về mặt điều hành, theo ông Đức bài toán về quản lý nhà nước đối với fintech như MoMo là điều mà cơ quan quản lý cần suy nghĩ thận trọng. Dù Fintech liên quan đến hoạt động của ngành tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những rủi ro cần quản lý về mặt vĩ mô, nếu nhà điều hành siết quá chặt hoặc có những quy định không phù hợp thì sẽ bóp chết các fintech “Những quy định về hạn chế room ngoại theo tôi là bài toán rất lớn để các anh ở NHNN phải suy nghĩ. Làm sao đủ thông thoáng vừa kiểm soát được. Nếu làm không khéo thì những doanh nghiệp như MoMo sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Đức bày tỏ.
Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam: Chính phủ sẽ coi khó khăn của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài là khó khăn của chính mình
Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp từ chuyên gia và các doanh nghiệp tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có bài phát biểu kết luận. Phó Thủ tướng một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng thu hút đầu tư của Việt Nam.
Với phương châm hợp tác kinh doanh “buôn có bạn, bán có phường”, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam chắc chắn là đối tác tin cậy, nhưng Việt Nam không muốn chỉ là đối tác mà còn là người bạn chân thành. Vì thế, Việt Nam hợp tác không chỉ dựa trên nền tảng đối tác tin cậy, mục tiêu kinh doanh cùng có lợi mà phải cùng nhau lan tỏa điều tốt đẹp trong kinh doanh, từ kinh doanh làm ra điều tốt đẹp.

“Việt Nam là điểm đến của nhiều nhà đầu tư thế giới. Việt Nam ngày nay không chỉ là điểm kinh doanh mà còn là mảnh đất gắn bó với rất nhiều doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia thế giới”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Dẫn lời câu ca dao của Việt Nam: “Sống trong bể ngọc kim cương - không bằng sống giữa tình thương bạn bè”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đã đang và sẽ luôn là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Với sự biến động của các nền kinh tế thế giới, nhất là những vấn đề liên quan đến khoa học công nghệ, Phó Thủ tướng cho rằng, tất cả mọi người phải hợp tác cùng nhau và phải tận dụng mọi cơ hội để bước qua thử thách.