MicroSave và MetLifeFoundation vừa công bố chương trình i3 vào sáng nay (14/11) tại Hà Nội. Chương trình i3, viết tắt của "đổi mới, thực hiện và tác động" (Innovate, Implement và Impact), được xây dựng để giúp cải thiện khả năng tài chính của nhóm có thu nhập thấp đến trung bình với sự hỗ trợ của các sáng kiến tài chính. Với thị trường Việt Nam, chủ đề được quan tâm trong sự kiện hôm nay là lời giải cho bài toán không dùng tiền mặt với những người có thu nhập thấp.
Theo thống kê của đơn vị nghiên cứu thị trường, hơn 96% người lớn trưởng thành tại Việt Nam sử dụng điện thoại di động, tỷ lệ này ở vùng nông thôn cũng đạt trên 50% nhưng thanh toán dùng tiền mặt vẫn chiếm hơn 90% tổng giao dịch. Tỷ lệ sử dụng các ứng dụng tài chính, ngân hàng trực tuyến, thậm chí, còn ở mức rất thấp nếu xét riêng khu vực nông thôn, những khách hàng thu nhập thấp.
"Việc tiếp cận cơ bản với các dịch vụ, sản phẩm ngân hàng vẫn là một thách thức ở Việt Nam, đặc biệt với những người có thu nhập thấp và trung bình", ông Manoj Sharma, Giám đốc điều hành MicroSave khu vực châu Á đánh giá.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), trong chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, sẽ trình Chính phủ vào đầu năm tới, công nghệ sẽ là một yếu tố quan trọng để phát triển lĩnh vực tài chính. Nhờ yếu tố này mà việc quản lý đơn giản hơn, người dân chỉ cần ví điện tử hoặc QR Code là có thể giao dịch hàng ngày. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dịch vụ tài chính kỹ thuật số vẫn chưa thể đạt được sự lan tỏa, đặc biệt là với khu vực thu nhập thấp, vùng sâu vùng xa.
Một trong những khó khăn căn bản của việc nâng cao khả năng tiếp cận tài chính với người có thu nhập thấp, theo ông Hòe, là khả năng tiếp cận công nghệ của nhóm khách hàng này.
"Chúng ta nhắc nhiều đến việc tiếp cận với công nghệ, nhưng một câu hỏi căn bản là với người nghèo họ sẽ trang bị những công nghệ đó, ví dụ như điện thoại thông minh, như thế nào?", ông Hòe đặt câu hỏi và cho rằng thay vì đặt những mục tiêu về tăng tỷ lệ tiếp cận công nghệ, đầu tiên phải trả lời cho câu hỏi ai sẽ hỗ trợ người nghèo có và sử dụng những công cụ để tiếp cận công nghệ.
Đại diện của Momo, bà Lục Kim Thanh, chỉ ra một khó khăn khác là việc thay đổi thói quen của khách hàng. "Fintech cung cấp các nền tảng giúp ích cho người tiêu dùng, nhưng quan trọng là họ có chịu chấp nhận sử dụng ứng dụng của chúng tôi hay không".
Theo bà Thanh, điều này không chỉ là khó khăn của Fintech mà còn là khó khăn chung của ngành tài chính. "Các ứng dụng sẽ không thể hiện được vai trò ưu việt nếu như khách hàng không chịu sử dụng. Và thực tế, mục đích ra đời của Fintech là giúp khách hàng trả lời câu hỏi: Công nghệ giúp ích gì cho họ", đại diện Momo chia sẻ.
Theo ông Hòe, để khách hàng thay đổi thói quen, điều quan trọng là lòng tin khi sử dụng dịch vụ. Những vụ mất tiền, rủi ro về lộ thông tin khiến niềm tin của khách hàng vào các nền tảng giao dịch trực tuyến bị giảm sút. "Họ sẽ không sử dụng dịch vụ nếu họ không tin rằng điều đó là an toàn. Và nếu không củng cố điều này, người tiêu dùng vẫn chỉ tin vào cách giao dịch rao tay hơn là trực tuyến", ông Hòe kết luận.
(Theo VnExpress)