main-banner-top

Digital Banking 2019: Khẳng định vai trò không thể tách rời giữa Fintech với Ngân hàng

Sự Kiện
27/05/2019·3.2K

Sự xuất hiện và phát triển của các Fintech trong những năm qua đã tạo ra nhiều thay đổi mang tính đột phá đối với các hoạt động của ngành tài chính – ngân hàng. Trong thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này, Fintech không phải là đối thủ cạnh tranh, mà chính là đối tác, những trợ thủ đắc lực và việc hợp tác cùng có lợi giữa Ngân hàng và Fintech sẽ làm xu hướng tất yếu. Đây là nhận định được ông Phạm Thành Đức, Tổng giám đốc M_Service (ví điện tử MoMo) đưa ra tại Hội nghị Ngân hàng năm 2019 với chủ đề "Đột phá từ số hóa Ngân hàng” vừa diễn ra ngày 16/5 do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức.

Digital Banking 2019: Khẳng định vai trò không thể tách rời giữa Fintech với Ngân hàng

Hợp tác Ngân hàng – Fintech: Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau

Đánh giá chung về tình hình số hóa ngân hàng Việt Nam hiện nay, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, nhận định, mặc dù các ngân hàng đã và đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, so với xu hướng phát triển chung của thế giới các ngân hàng Việt Nam vẫn đi sau, khi mà phần lớn hoạt động chuyển đổi chỉ dừng ở mức cho ra mắt các dịch vụ, sản phẩm mới hay cao hơn là chuyển đổi ở cấp độ quy trình. Hoạt động chuyển đổi về mặt dữ liệu chỉ mới được triển khai ở một số ít ngân hàng tiên phong.

Là đơn vị kiên trì, bền bỉ trong quá trình kết nối, hợp tác với các ngân hàng, ông Phạm Thành Đức - CEO Momo đánh giá cao sự am hiểu và lăn xả của các ngân hàng trong công cuộc chuyển đổi số. Rất nhiều đơn vị đã chủ động thành lập các trung tâm nghiên cứu (Innovation Hub), các Ngân hàng số dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng giám đốc hay Chủ tịch HĐQT, qua đó cho thấy rõ nhận thức của các ngân hàng về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong thời Cách mạng công nghiệp 4.0. Dưới góc nhìn thận trọng, ông Đức cho rằng: “Sự tích cực và năng động của các ngân hàng đang khiến cho những công ty Fintech phải dè chừng”.

Trả lời câu hỏi: “Liệu Ngân hàng nên hợp tác với Fintech để cùng chia sẻ lợi ích hay nên thủ thế riêng mình?” Theo ông Đức, nếu cách đây vài năm câu hỏi này có thể khiến cho nhiều ngân hàng phân vân, thì ở thời điểm hiện tại việc hợp tác và chia sẻ giữa ngân hàng và Fintech đã là xu thế tất yếu, bởi lẽ khó có đơn vị nào có đủ tiềm lực và tự tin để một mình tham gia cuộc chơi trong thị trường lớn như hiện nay.

"Năm năm trước, MoMo thường xuyên gặp khó khăn và sự e dè khi đặt vấn đề với ngân hàng do còn quá mới mẻ, thì hiện tại Momo đã hợp tác trực tiếp với khoảng 20 ngân hàng lớn nhỏ ở Việt Nam bao gồm cả ngân hàng nội địa và nước ngoài. MoMo đang là đối tác hiệu quả và chặt chẽ của các ngân hàng, hai bên tận dụng các thế mạnh để cùng nhau phát triển”, ông Đức chia sẻ.

 MoMo fintech phát triển cực nhanhMoMo là công ty Fintech có độ phủ và tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất tại Việt Nam

Đồng quan điểm, các chuyên gia đều cho rằng Fintech đã, đang và sẽ tiếp tục giúp giảm chi phí của các dịch vụ tài chính, loại bỏ các khâu trung gian không cần thiết và giúp các dịch vụ tài chính đạt đến mức độ hiệu quả nhất.

“Câu chuyện giữa các Fintech và ngân hàng hiện nay không khác bức tranh của ngành ngân hàng nhiều năm trước. Khi đó, các ngân hàng lớn đã tốn nhiều tiền của, công sứcđể giữ hệ sinh thái cho riêng mình. Sau này, với việc các ngân hàng đồng ý tham gia mạng lưới chung cùng chia sẻ tệp khách hàng, mạng lưới thanh toán, chấp nhận... đã giúp thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng”, ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó tổng giám đốc Napas chia sẻ kinh nghiệm.

Trước ý kiến cho rằng, thị trường Fintech Việt Nam đang bị chia mảng quá nhiều, điều này gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc lựa chọn các đối tác Fintech phù hơp để đồng hành lâu dài, ông Phạm Thành Đức cho biết, dù thị trường Fintech có rất nhiều lĩnh vực, nhưng thanh toán vẫn chiếm ưu thế với gần 90%. Trên thực tế, trong tổng số gần 30 ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động thì chỉ có khoảng 5-6 ví điện tử hoạt động tích cực, trong đó chỉ có 3-4 ví điện tử thực sự có người dùng.

Từ quan điểm của người trong ngành này, ông Đức khẳng định thị trường thanh toán là một ngành cạnh tranh vô cùng khốc liệt và kén người tham gia:“Với doanh thu dưới 1% doanh nghiệp cần  phải có hàng triệu người dùng và hàng tỉ giao dịch thì mới mong có lợi nhuận như kỳ vọng. Dưới góc độ đầu tư hay kinh doanh đây rõ ràng không phải là lĩnh vực hấp dẫn. Chính vì vậy, nếu nói thị trường Fintech hay Mobile Payment có sự phân mảnh là không đúng”, ông Đức nhấn mạnh.

Thanh toán phi tiền mặt: Có bột ắt gột nên hồ?

Theo báo cáo “Unlocking Vietnam's Fintech Growth Potential” (Giải phóng tiềm năng tăng trưởng của Fintech tại Việt Nam) được Công ty Tư vấn Solidiance công bố vào tháng 5/2018, thị trường Fintech của Việt Nam cán mốc 4,4 tỷ USD vào năm 2017, và được dự báo sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Chính vì vậy, “Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 – 2020” kể từ khi được Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy cho sự phát triển của các đơn vị trung gian thanh toán, Fintech nói riêng và ngành tài chính - ngân hàng nói chung.

Tuy nhiên, số liệu mới nhất về số hóa tiền mặt tại ASEAN do ngân hàng Standard Chartered công bố lại cho thấy, Việt Nam hiên đứng đầu khu vực về việc sử dụng tiền mặt thanh toán khi mua hàng online, với 90,17%. Trước đó, một thống kê khác của Ngân hàng thế giới (WorldBank) cũng chỉ ra, Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực khi chỉ đạt 4,9%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 26,1%, Thái Lan là 59,7% và Malaysia là 89%. 

Để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển tại Việt Nam, theo các chuyên gia, các yếu tố về môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng công nghệ và thói quen của người tiêu dùng đóng vai trò then chốt. Dưới góc độ quản lý nhà nước, thời gian qua nhiều văn bản pháp lý quan trọng lĩnh vực này đã được ban hành. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng rào cản về mặt pháp luật đối với các Fintech hiện vẫn còn khá lớn.

Đơn cử, vừa qua, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi có quy định: Tổng hạn mức giao dịch của một Ví điện tử của cá nhân tối đa là 20 triệu đồng/ngày và 100 triệu đồng/tháng; Đối với Ví điện tử của tổ chức, hạn mức này lần lượt là 100 triệu/ngày và 500 triệu/tháng. 

Có thể thấy, quy định trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng, các công ty Fintech và đơn vị thụ hưởng. Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế không dùng tiền mặt và thúc đẩy phát triển công nghệ trong ngành tài chính – ngân hàng. Câu hỏi đặt ra là những quy định này liệu có kìm hãm sự phát triển của thanh toán điện tử nói chung và đẩy các ví điện tử vào thế khó hơn so với các phương thức thanh toán khác nói riêng hay không?

Hội nghị Banking FintechTrả lời câu hỏi của người điều phối “Các ông hãy cho Ngân hàng 1 lời khuyên” – CEO Phạm Thành Đức nói ngắn gọn, xúc tích “Hãy hợp tác với Fintech!” đã làm cả khán phòng hoan nghênh và các diễn giả đều cười.

Từ góc nhìn của người trong cuộc CEO Phạm Thành Đức cho rằng, các trung gian thanh toán, Fintech hiện đang bị quản lý chặt và phải chấp nhận hoạt động bó hẹp trong phạm vi được cho phép. “Nếu hành lang pháp lý không đủ hỗ trợ thông thoáng thì sẽ rất tệ cho cả ngân hàng cũng như Fintech trong việc chuyển đổi số”, ông Đức chia sẻ. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Ban Ngân hàng điện tử Vietcombank TP.HCM cho rằng, nếu xem các Fintech là cánh tay nối dài của ngân hàng thì chính sách dành cho đối tượng này nên được cởi mở hơn.

Dự báo về tương lai của ngành ngân hàng trước làn sóng số hóa và hợp tác, theo ông Đức, trong 3 -5 năm tới bức tranh chung sẽ không có nhiều thay đổi và lĩnh vực thanh toán luôn có “đất dụng võ”, chính vì vậy, MoMo sẽ vẫn tập trung xây dựng nền tảng thanh toán, hỗ trợ tốt hơn cho các ngân hàng. Tuy nhiên, người đứng đầu MoMo cũng thẳng thắn nhìn nhận, những lợi thế tiên phong mà các Fintech hiện có như là công nghệ hay sản phẩm tiên tiến cũng sẽ nhanh chóng mất đi trong vài năm nữa, khi các ngân hàng với tiềm lực tài chính mạnh mẽ sẽ dễ dàng sở hữu những công nghệ vượt trội nhất như: Blockchain, Big data hay AR và đây thực sự là một thách thức với các công ty Fintech.--------

Hội nghị Ngân hàng năm 2019 với chủ đề "Đột phá từ số hóa Ngân hàng” là sự kiện do Tạp chí Nhịp cầu đầu tư tổ chức. Hội nghị nhằm phân tích và đưa ra đánh giá tổng quan về chính sách, tình hình chuyển đổi thực tiễn và bản chất của các ngân hàng Việt Nam từ mô hình truyền thống sang số hoá như một quy luật phát triển tất yếu, đồng thời giới thiệu các trường hợp chuyển đổi bước đầu thành công của ngân hàng trong nước và thế giới.

Hội nghị cũng thảo luận về những yếu tố bảo mật trong chuyển đổi ngân hàng số, cũng như giá trị của số hoá mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và nền kinh tế Việt Nam.

 MoMo hân hạnh là đơn vị tài trợ của Hội nghị năm nay.

* Apple/ Google không tài trợ cho bất cứ hoạt động kinh doanh & thương mại nào của MoMo.
Đánh giá :
5
/0

Ưu đãi nổi bậtƯu đãi nổi bật