Hội thảo được tổ chức bởi Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Vụ Thanh toán và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thuộc Ngân hàng Nhà nước vào ngày 7/12/2023, tại Hà Nội. Hội thảo được tổ chức nhằm thu thập ý kiến của các chuyên gia về việc mở rộng kết nối phát triển hệ sinh thái thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng; Xu hướng chuyển dịch sang mô hình kinh doanh ngân hàng mở - Open Banking; Quy chuẩn API nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong giao dịch ngân hàng điện tử.
Sự kiện có sự có mặt của ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc chủ trì hội thảo; ông Phạm Anh Tuấn Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam; ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin; ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin và ông Akira Yamagami, Chuyên gia Tư vấn Công ty NTT Data đến từ Nhật Bản cùng lãnh đạo của nhiều Ngân hàng và các Fintech, Trung gian thanh toán.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh ưu tiên chuyển đổi số trong ngành ngân hàng nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động thông qua quy trình tự động hóa, cải thiện trải nghiệm khách hàng, và nâng cao cạnh tranh trong môi trường đổi mới.
Hợp tác giữa Ngân hàng và Fintech mang lại ích lợi to lớn cho tất cả các bên trong hệ sinh thái
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai kết nối Open API với các ngân hàng, ông Nguyễn Bá Diệp đã nhấn mạnh rằng việc phối hợp triển khai Open API giữa ngân hàng và các công ty Fintech đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài, gần 10 năm, liên quan đến thanh toán điện tử, ví điện tử, cũng như cho phép khách hàng nạp, trừ tiền và sử dụng các dịch vụ thu hộ/chi hộ.
Ông Nguyễn Bá Diệp chia sẻ việc phối hợp giữa Ngân hàng có nguồn vốn lớn và Fintech am hiểu khách hàng đã giúp mang dòng tiền của Ngân hàng đến được nhiều người dùng Việt hơn. Ảnh: MoMo
Gần đây, Fintech đã mở rộng hợp tác với ngân hàng theo hướng mở rộng hơn, ví dụ như khách hàng của Fintech có thể đăng ký mở tài khoản ngân hàng hoặc mở thẻ tín dụng của ngân hàng. Trong trường hợp này, ngân hàng đóng vai trò trong việc thu thập thông tin từ Fintech, xử lý và chuyển trả lại cho Fintech.
Theo ông Diệp “Trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng việc hợp tác như vậy đã mang lại những kết quả rất đáng kể cho cộng đồng, đặc biệt là trong việc thúc đẩy hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt. Ví dụ, khi Fintech và Ngân hàng hợp tác, theo thông báo từ NHNN, hình thức thanh toán di động đã tăng 100% mỗi năm trong vòng 3 năm qua. Đặc biệt, khi triển khai VietQR và các Ngân hàng miễn phí thanh toán qua VietQR, hình thức thanh toán di động đã tăng lên đến 600-700% chỉ trong 1 năm ”.
“Theo quan điểm của MoMo, Ngân hàng như một hồ lớn, chưa đầy nước. Nước ở đây là nguồn vốn. Trong khi đó, với lợi thế tương tác với khách hàng nhiều hơn và hiểu khách hàng, các Fintech giống như những lạch nhỏ để chuyển đi phần “nước” đó đến với người dùng. Như thế, việc phối hợp một đơn vị có nguồn vốn lớn và một đơn vị có sự hiểu biết chi tiết về khách hàng, sẽ giúp cho việc thiết kế các sản phẩm đổi mới sáng tạo mà trước giờ chưa có điều kiện thực hiện.” ông Diệp chia sẻ thêm.
Ông Diệp đưa ra ví dụ về việc các công ty Fintech hiện nay hợp tác với các tổ chức quản lý vốn và quỹ đầu tư, cho phép khách hàng đầu tư chỉ từ 10.000đ. Đây là một ví dụ tiêu biểu cho việc phát triển sản phẩm mới và đột phá trong ngành.
“Ví dụ như việc MoMo đã hợp tác với TPBank để tạo ra dịch vụ tiên phong Ví Trả Sau. Dịch vụ này đã mở ra cơ hội cho những người có thu nhập thấp (từ 5 triệu đồng, 10 triệu đồng) được tiếp cận tín dụng và giúp họ có lịch sử tín dụng. Điều này không chỉ giúp dòng tiền từ Ngân hàng có thể đến được nhiều người hơn, mà còn mở ra những sản phẩm mới mà trước đây chưa từng có.”, ông Diệp nói thêm.
Theo ông Diệp sự hợp tác này có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện và có lợi chung cho tất cả các bên trong hệ sinh thái.
Cần một quy chuẩn chung cho Open API nhằm bảo vệ dữ liệu ở mức cao nhất
API (Application Programming Interface) trong lĩnh vực ngân hàng đóng vai trò như một cánh cổng trung gian, kết nối các tài khoản của khách hàng và cho phép truy cập truy xuất, đối chiếu các giao dịch nhằm đảm bảo tính chính xác của thông tin. Open Banking (Ngân hàng Mở) hoạt động thông qua việc sử dụng mã nguồn API, cấp quyền truy cập cho các đối tác thanh toán, Fintech như MoMo,... như bên thứ ba cung cấp dịch vụ/sản phẩm ngân hàng. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn trong việc chia sẻ dữ liệu là vô cùng cần thiết.
Ông Nguyễn Bá Diệp (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm với Phó Thống đốc NHNN và các Lãnh đạo Sở ban ngành, các ngân hàng, Fintech tại Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở tại Hà Nội ngày 7/12/2023. Ảnh: MoMo
Chia sẻ về sự cần thiết của việc xây dựng một quy chuẩn chung về API cho nền tảng Open Banking, ông Diệp cho biết: “Kết nối API giống như một xa lộ, giúp cho Ngân hàng và các công ty Fintech kết nối với nhau. Nếu xa lộ đó không có làn đường, không có đèn xanh đèn đỏ, không có các quy định an toàn bảo mật, thì sẽ rất hỗn loạn.”
Ông Diệp khẳng định, cần có một quy chuẩn chung cho Open API nhằm giúp các công ty Fintech kết nối với ngân hàng một cách dễ dàng; đảm bảo những quy định về an toàn bảo mật trong việc chia sẻ và kết nối dữ liệu, tiết kiệm được chi phí, giúp cho việc kết nối trở nên dễ dàng hơn.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đã bày tỏ mong muốn về một trung tâm API chung trong hệ thống Open Banking. “Thay vì vài chục ngân hàng có hàng chục Open API, khiến các fintech phải truy cập vào tất cả Open API đó trao đổi dữ liệu thì chúng ta có cần 1 hub (trung tâm) về API, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ cần truy cập vào 1 chỗ mà kết nối dữ liệu với cả hệ thống ngân hàng”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng bày tỏ.
“Tôi cho rằng chuyển đổi số của ngành ngân hàng là khách hàng sử dụng được tất cả các dịch vụ ngân hàng trên chiếc điện thoại di động một cách liền mạch. Về khía cạnh kỹ thuật, chuyển đổi số là sự kết nối, tích hợp của các thực thể, các tổ chức, cá nhân trong xã hội”, Phó Thống đốc chia sẻ thêm.