Chúng ta thường hay nghe: Anh A mới vay trả góp mua 1 căn chung cư, chị B vừa vay trả góp mua 1 chiếc xe, vậy “Vay trả góp là như thế nào?”, mời bạn cùng MoMo tìm hiểu nhé. 

1. Vay trả góp là gì?

Vay trả góp là hình thức vay vốn mà người vay sẽ chia nhỏ khoản vay thành nhiều kỳ hạn nhỏ hơn và trả dần cả gốc lẫn lãi trong từng kỳ. Nói cách khác, thay vì trả một lần số tiền vay lớn, bạn sẽ trả góp từng khoản nhỏ hàng tháng, hàng quý hoặc hàng năm. Hình thức này có lợi với bạn khi không cần phải trả hết toàn bộ khoản vay trong 1 lần, thay vào đó số tiền sẽ được chia đều để trả góp theo kỳ thanh toán trong hợp đồng quy định. 

Có thể hiểu một quy trình vay trả góp thường gồm những công đoạn sau: Bạn thực hiện mua sản phẩm hoặc vay tiền từ một tổ chức tài chính, sau đó hoàn tất thủ tục hồ sơ. Sau khi được chấp thuận, bạn sẽ nhận được sản phẩm hoặc tiền vay và bắt đầu thanh toán các khoản tiền nợ hàng tháng. 

Số tiền bạn phải trả mỗi tháng bao gồm: tiền gốc và lãi suất (nếu có). Một số chương trình còn cung cấp gói vay trả góp với lãi suất 0%, nhưng cần phải xem xét kỹ các điều khoản đi kèm.

Có nhiều loại vay trả góp, phổ biến như:

  • Vay ngân hàng: Đây là lựa chọn đáng tin cậy, nhưng thủ tục có thể hơi phức tạp.
  • Vay tín chấp: Không cần tài sản thế chấp, chỉ dựa vào uy tín tín dụng của bạn.
  • Vay tiêu dùng: Thường áp dụng cho các khoản chi tiêu nhỏ hơn như đồ điện tử, nội thất, hoặc các sản phẩm tiêu dùng khác.

Ngày nay bạn có thể vay trả tại các ngân hàng hoặc các công ty tài chính uy tín. 

* Ví dụ tình huống: Anh Tuấn muốn mua một chiếc ô tô giá 600 triệu đồng nhưng chỉ có 150 triệu tiết kiệm. Anh quyết định vay trả góp ngân hàng để mua xe.

Thông tin vay trả góp:

  • Giá xe: 600 triệu đồng
  • Số tiền trả trước: 150 triệu đồng
  • Số tiền vay ngân hàng: 450 triệu đồng
  • Thời gian vay: 5 năm (60 tháng)
  • Lãi suất: 10%/năm (0,83%/tháng)

Tính toán số tiền trả góp hàng tháng (tháng đầu tiên):

  • Tiền gốc trả mỗi tháng: 450 triệu / 60 = 7,5 triệu đồng
  • Lãi suất tháng đầu: 450 triệu x 0,83% = 3,735 triệu đồng
  • Tổng số tiền trả tháng đầu: 7,5 triệu + 3,735 triệu = 11,235 triệu đồng

Anh Tuấn sẽ trả góp khoảng 11,2 triệu đồng mỗi tháng, với số tiền lãi giảm dần theo dư nợ.

Tình huống này minh họa cách một người với thu nhập ổn định có thể vay trả góp để mua ô tô. Tuy nhiên, việc tính toán kỹ số tiền trả góp hàng tháng, lãi suất, và thời hạn vay là rất quan trọng để đảm bảo việc vay không gây áp lực tài chính quá lớn trong tương lai.

2. Các lợi ích của việc vay trả góp

- Lựa chọn linh hoạt: Bạn thực hiện chủ động chọn gói vay phù hợp với khả năng tài chính của bản thân. Ngoài ra bạn có thể thỏa thuận với các tổ chức tài chính về thời hạn vay của mình. 

- Nhanh tiện: Hình thức vay trả góp thường có thời gian xem xét và giải ngân rất nhanh. Thông thường, bạn sẽ nhận được tiền trong khoảng 24 giờ khi được duyệt. 

- Chủ động mua sắm: Bạn có thể mua sắm các sản phẩm có giá trị cao và thanh toán dần theo lãi suất và thời hạn vay.

- Áp lực trả nợ giảm đi: Việc chia nhỏ những khoản vay sẽ giúp bạn giảm đi một phần áp lực tài chính. Từ đó, giúp hạn chế tình trạng trễ hạn thanh toán, giúp cho các khoản vay trong tương lai thuận lợi hơn, không bị ảnh hưởng xấu từ điểm tín dụng.

Có nên vay trả góp không? Bí quyết vay an toàn và hiệu quả

Chủ động chọn gói vay phù hợp với khả năng tài chính của bản thân là một lợi ích của việc vay trả góp.

3. Những rủi ro cần cân nhắc khi vay trả góp

- Lãi suất cao: Không phải các khoản vay trả góp đều có lãi suất 0%. Thực tế, nhiều chương trình vay trả góp đi kèm lãi suất khá cao, khiến bạn có thể phải trả nhiều hơn so với giá trị ban đầu của sản phẩm. Do đó, trước khi vay, bạn cần kiểm tra kỹ mức lãi suất và tính toán xem khả năng chi trả số tiền nợ. 

- Nguy cơ nợ: Khi bạn vay trả góp nhưng không tính toán kỹ lưỡng, có thể dẫn đến tình trạng nợ chồng nợ. Nếu không thanh toán kịp thời, bạn sẽ phải đối mặt với các khoản phí phạt và điểm tín dụng của sẽ bị ảnh hưởng xấu. (Điểm tín dụng - CIC - là một  mức điểm thường đi từ 150 đến 750. Con số này đại diện cho mức độ rủi ro tín dụng, khả năng thanh toán. Các tổ chức tài chính xem đây là một yếu tố để xem xét có nên cho bạn vay hay không).

- Phí ẩn và điều kiện hợp đồng: Một số hợp đồng vay trả góp có thể kèm theo những khoản phí ẩn như phí phạt khi thanh toán chậm, phí bảo hiểm, hoặc các điều khoản ràng buộc khác. Điều này đòi hỏi bạn phải đọc kỹ hợp đồng và hiểu rõ mọi điều khoản trước khi ký kết.

- Khả năng không trả được nợ: Trong trường hợp mất khả năng chi trả, bạn không chỉ phải đối mặt với khoản phí phạt, mà còn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến điểm tín dụng của mình. Đối với những khoản vay lớn như mua nhà hay xe, việc không trả được nợ có thể dẫn đến việc tài sản bị thu hồi.

4. Có nên vay trả góp hay không?

Trước khi vay trả góp bạn cần lưu ý những thông tin sau:

- Cân nhắc khả năng tài chính hiện tại: Hãy tự đánh giá khả năng tài chính của mình. Thu nhập hàng tháng của bạn có đủ để chi trả cho các khoản vay, cùng với các chi phí sinh hoạt hàng ngày không? Việc vay trả góp sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình tài chính hiện tại của bạn?

- Khi nào nên vay trả góp: Vay trả góp là lựa chọn hợp lý khi bạn cần mua sắm những sản phẩm cần thiết và có giá trị sử dụng lâu dài, chẳng hạn như đồ gia dụng, xe máy, hoặc các thiết bị làm việc. Điều này giúp bạn tiếp cận các sản phẩm cần thiết mà không phải đợi tích lũy đủ tiền. Hơn nữa, nếu bạn chắc chắn có khả năng trả nợ đều đặn và đúng hạn, việc vay trả góp có thể mang lại lợi ích về mặt tài chính.

- Khi nào không nên vay trả góp: Nếu thu nhập của bạn không ổn định hoặc bạn đang gặp khó khăn tài chính, việc vay trả góp có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Đặc biệt, vay trả góp để mua các sản phẩm không cần thiết hoặc xa xỉ không phải là quyết định sáng suốt. Trong những trường hợp này, tốt hơn hết là bạn nên tiết kiệm thay vì vay nợ.

5. Một số lưu ý khi vay trả góp

Bạn hãy nhớ 4 điểm sau để có được một khoản vay trả góp an toàn nhé:

Mức vay trả góp tốt nhất: Mức vay trả góp an toàn được khuyến nghị là không vượt quá 30-40% tổng thu nhập hàng tháng của người đi vay. Điều này giúp đảm bảo về khả năng chi trả cho các khoản phí sinh hoạt cơ bản và các khoản chi tiêu khác, tránh bị nợ nần.

Ví dụ: Nếu thu nhập hàng tháng của bạn là 10 triệu đồng, khoản trả góp an toàn nên nằm trong khoảng từ 3 đến 4 triệu đồng. 

Một số lưu ý khi vay trả góp

Mức vay trả góp an toàn được khuyến nghị: không vượt quá 30% - 40% tổng thu nhập hàng tháng của người đi vay.

- Xem xét tất cả các khoản nợ khác: Nếu bạn đã có các khoản vay hoặc nợ khác như nợ thẻ tín dụng, khoản vay cá nhân, hãy cộng tất cả các khoản nợ đó vào để xem tổng số tiền nợ hàng tháng là bao nhiêu. Điều này giúp bạn tránh rơi vào tình trạng nợ chồng nợ, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ.

- Thời gian vay không quá dài: Chọn thời gian vay hợp lý để không phải kéo dài quá trình trả nợ, vì càng kéo dài thời gian trả, số tiền lãi phải trả càng lớn. Tùy theo khả năng tài chính của mình, bạn có thể chọn kỳ hạn vay từ 6 tháng đến 3 năm, nhưng không nên kéo dài quá mức nếu không thực sự cần thiết.

- Có kế hoạch dự phòng tài chính: Trước khi vay trả góp, hãy đảm bảo rằng bạn có một khoản tiết kiệm dự phòng để sử dụng trong những tình huống khẩn cấp. Điều này sẽ giúp bạn tránh tình trạng không trả được nợ khi gặp biến cố như mất việc hoặc chi phí bất ngờ phát sinh.

6. Nên chọn tổ chức vay trả góp thế nào?

Thị trường Việt Nam ngày càng có nhiều tổ chức/đơn vị cạnh tranh cùng một dịch vụ cho vay, do đó bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định vay. Có nhiều yếu tố để xem xét về mức uy tín của các tổ chức tài chính, đơn cử một vài yếu tố sau:

  • Tính minh bạch về lãi suất và điều kiện hoặc thủ tục trong hợp đồng.
  • Các khoản phí gồm cả phí phụ thu được niêm yết đầy đủ, thống nhất và công khai. 
  • Thời gian hoạt động lâu năm trên thị trường.
  • Hợp tác với các tổ chức tài chính uy tín cao trong nhiều lĩnh vực.
  • Tổ chức có thành tích, giải thưởng lớn trong lĩnh vực hoạt động của mình.

Kết luận

Vay trả góp hiện tại là cách thức tiện lợi giúp bạn dễ dàng mua sắm những sản phẩm cần thiết và chia nhỏ áp lực tài chính. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn cần tính toán kỹ lưỡng và xem xét khả năng tài chính của bản thân trước khi quyết định vay.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo và không nên được xem là lời khuyên tài chính, đầu tư, hoặc pháp lý chính thức. MoMo không chịu trách nhiệm về bất kỳ sai sót hoặc thiếu sót nào có thể xảy ra. MoMo khuyến khích bạn nên tìm kiếm lời khuyên từ cố vấn tài chính hoặc chuyên gia trước khi đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào liên quan đến tài chính cá nhân.